Theo đó, VNREA kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cụ thể, VNREA kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành triển khai giải pháp cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt tập trung vào các giải pháp về tín dụng và thuế. Ngành ngân hàng có phương án giảm lãi suất đối với hợp đồng vay đầu tư cho dự án kinh doanh các sản phẩm căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú… Như giảm 50% lãi suất trong thời gian diễn ra dịch và 30% lãi suất cho thời gian 1 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Đồng thời xem xét cơ cấu thời hạn trả nợ, hoãn, giãn nợ cho doanh nghiệp.
Không những thế, đơn vị này cũng kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính nghiên cứu các giải pháp, chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp như giãn thời gian nộp các nghĩa vụ thuế vào ngân sách 6 tháng đối với mỗi kỳ nộp sau 1 năm dịch bệnh được kiểm soát; miễn tiền phạt chậm nộp khi doanh nghiệp đã nộp đủ thuế; giãn tiến độ nộp tiền thuê đất sau khi dịch được kiểm soát, giảm thuế giá trị gia tăng và lùi thời gian nộp thuế.
Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA, Thủ tướng Chính phủ xem xét áp dụng việc miễn visa cho khách quốc tế tới Việt Nam nhằm giúp du khách tiết kiệm được thời gian, chi phí xin visa từ đó nâng cao sức thu hút của ngành du lịch. Những khó khăn, vướng mắc khác liên quan đến quy định, chính sách pháp luật ở thị trường bất động cũng cần được hỗ trợ tháo gỡ.
Theo VNREA, tình hình nửa cuối năm 2019 và đầu năm 2020, thị trường bất động sản gặp những khó khăn nhất định và có dấu hiệu giảm sút mạnh, ảnh hưởng đến nhiều ngành, nghề khác. Ngay doanh nghiệp lớn có thương hiệu trên thị trường cũng đứng trước nguy cơ phá sản, nhất là khi tình trạng mất thanh khoản tại nhiều dự án kéo dài và việc triển khai dự án mới gặp nhiều khó khăn.
Thống kê của VNREA cho thấy hiện nay, cả nước có hơn 82.900 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 15.663 nhà phố thương mại, bao gồm các sản phẩm đã đưa vào sử dụng; sản phẩm đã hoàn thiện xây dựng nhưng chưa đưa vào khai thác; sản phẩm đã và đang được xây dựng tập trung ở Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… Tổng giá trị ước tính phân khúc bất động sản này lên tới hơn 23 tỉ USD.
Nói về khó khăn trong chính sách, VNREA cho biết hiện các hoạt động đầu tư, xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật… Do đó, một trong những giải pháp là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính nhằm thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển sôi động nhưng bền vững, thu hút nguồn lực đầu tư sẽ mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế, xã hội.