Phép thử trong cuộc vượt dốc của Hoàng Anh Gia Lai

Dù mạnh tay bán các mảng kinh doanh không hiệu quả nhưng tương lai của Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa sáng sủa.

Dù mạnh tay bán các mảng kinh doanh không hiệu quả nhưng tương lai của Hoàng Anh Gia Lai vẫn chưa sáng sủa.

Trước khi tập trung vào phát triển nông nghiệp như hiện nay, HAGL từng hoạt động trong 7 lĩnh vực gồm bất động sản, sản xuất, thương mại và dịch vụ, xây dựng, cây công nghiệp, năng lượng, khoáng sản với hơn 36 công ty con và công ty liên kết tại 5 nước Đông Nam Á.

Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch Hội đồng Quản trị HAG cho biết công ty đang tiến hành đẩy mạnh tái cấu trúc, thoái vốn khỏi những ngành, lĩnh vực không hiệu quả, đồng thời tập trung đầu tư vào mảng nông nghiệp.

Cú “tất tay” mạo hiểm

Cuối tháng 2 vừa qua, Hội đồng Quản trị Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, mã chứng khoán: HAG) đã thông qua nghị quyết về việc giải thể công ty con được thành lập vào đầu năm 2018 do HAGL nắm giữ 99% vốn điều lệ là Công ty CP Thuỷ điện Hoàng Anh Sài Gòn có trụ sở tại phường 14, quận 10, TP.HCM.

Một nhà máy thủy điện do Hoàng Anh Gia Lai xây dựng. Ảnh: HAGL.

Theo đó, HAGL giao cho Tổng giám đốc là ông Võ Trường Sơn đại diện vốn Công ty và HĐQT, Ban giám đốc Thuỷ điện Hoàng Anh Sài Gòn triển khai các thủ tục theo quy định của pháp luật để tiến hành giải thể.

Vào hồi trung tuần tháng 12/2019, doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức cũng đã chuyển nhượng toàn bộ 248,5 triệu cổ phần, tương đương 99,4% vốn điều lệ đang sở hữu tại CTCP Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai.

Báo cáo tài chính quý 3/2019 của HAG cũng cho thấy doanh nghiệp này đang thanh lý 2 công ty con hoạt động trong lĩnh vực thủy điện là Công ty TNHH Điện Hoàng Anh Attapeu (Nậm Kông 2) và Công ty TNHH Điện Nậm Kông 3. Với những động thái này, HAG thể hiện rõ quyết tâm rút lui hoàn toàn khỏi lĩnh vực kinh doanh thủy điện.

Giai đoạn trước, bầu Đức từng đổ khá nhiều tiền vào mảng phát triển thuỷ điện, tuy nhiên, những năm vừa qua, trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp, doanh nghiệp của ông đã quyết định rút lui khỏi lĩnh vực này để có nguồn tài chính hỗ trợ cho mảng nông nghiệp, cây ăn trái.

Trong nhiều năm trở lại đây, báo cáo tài chính của HAG thiếu vắng sự đóng góp doanh thu của mảng thủy điện. Số liệu gần nhất được công bố là 122 tỷ đồng doanh thu hồi 2013, đóng góp 5% vào tổng doanh thu thời điểm đó.

Việc thanh lý các công ty con thuộc ngành điện được coi là giải pháp hợp lý cho Hoàng Anh Gia Lai nhằm giảm bớt sự dàn trải và tập trung vào ngành nghề chủ lực. Theo đó, Công ty có thể giải quyết được áp lực về tài chính trong ngắn hạn, tạm thời có nguồn năng lượng để tự vực dậy và tăng cường tập trung vào nông nghiệp.

Không chỉ thủy điện, trước đó HAG cũng đã có những động thái thoái vốn khỏi nhiều lĩnh vực. Mía đường từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” của HAGL trước năm 2014 với xấp xỉ 1.000 tỉ đồng doanh thu. Tuy nhiên, năm 2017, trước áp lực nợ phải trả hơn 36.000 tỉ đồng, HAGL đã phải bán đứt mảng mía đường cho Tập đoàn Thành Thành Công với giá trị khoảng 1.330 tỉ đồng.

Sau mía đường, mảng chăn nuôi bò sữa và bò thịt từng là mũi nhọn của HAGL giai đoạn 2015-2016 cũng bị chuyển nhượng khi biên lãi gộp bò thịt liên tục sụt giảm.Đến năm 2018, sau cú bắt tay cùng Thaco, HAGL đã phải bán 35% vốn sở hữu tại HAGL Agrico (công ty nông nghiệp quan trọng nhất) cho Thaco để cơ cấu nợ.

Tập đoàn cũng phải bán đứt mảng bất động sản cho Thaco khi chuyển nhượng toàn bộ dự án Hoàng Anh Myanmar với số tiền 8.155 tỉ đồng. Chưa dừng lại, trong năm 2019, HAGL tiếp tục thoái vốn 6 công ty con trong lĩnh vực cao su và cọ dầu với tổng giá trị 7.627 tỉ đồng. Cuối năm 2019, HAGL cũng ra phương án thoái vốn 99,4% cổ phần sở hữu tại Công ty Thủy điện Hoàng Anh Gia Lai (tương đương 248,5 triệu cổ phiếu).

Theo báo cáo tài chính của HAGL, tập đoàn này ghi nhận đang đầu tư hơn 6.656 tỉ đồng vào các công ty con. Ngoài 59 tỉ đồng vào mảng bóng đá thông qua Công ty Cổ phần Thể thao Hoàng Anh Gia Lai và 99 tỉ đồng vào mảng bệnh viện thông qua Công ty Cổ phần Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, các công ty còn lại đều thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

“Đời còn dài nhiều chông gai cần vượt”

Dù đã rút khỏi các mảng kinh doanh kém hiệu quả và tập trung vào nông nghiệp nhưng tình hình kinh doanh của HAGL năm vừa qua vẫn rất ảm đạm. Doanh thu thuần của tập đoàn này trong năm 2019 giảm hơn 60% so với năm 2018, chỉ đạt 2.082 tỉ đồng. Theo đó, lợi nhuận gộp của HAGL cũng giảm trên 90% về còn gần 221 tỉ đồng. Một trong những điểm đáng chú ý trong báo cáo tài chính của HAGL chính là khoản lỗ lũy kế năm 2019 lên đến hơn 1.609 tỉ đồng, trong khi năm 2018 tập đoàn này đạt lợi nhuận sau thuế hơn 6 tỉ đồng. Công ty lỗ nặng do chi phí lãi vay, chi phí chuyển đổi vườn cây và đánh giá lại tài sản lớn. Song, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 253 tỉ đồng, tăng 115%. Công ty chỉ hoàn thành 41% kế hoạch doanh thu và không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước thuế 88 tỉ đồng.

Dù công ty mẹ vẫn đạt được lợi nhuận 253 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng khoản lỗ 1.862 tỉ đồng đến từ cổ đông không kiểm soát đã kéo kết quả kinh doanh của HAGL xuống. Nguyên nhân của việc hạch toán này có lẽ đến từ cấu trúc của Tập đoàn khi HAGL vẫn ghi nhận 16 công ty con trong lĩnh vực nông nghiệp dù trong đó có 14 công ty con mà HAGL sở hữu dưới 51% vốn. Nổi bật hơn cả là trường hợp của Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico). Tổng kết năm 2019, công ty này báo lỗ hơn 2.300 tỉ đồng, gấp nhiều lần so với khoản lỗ hơn 659 tỉ đồng năm 2018.

Ngày chốt sổ năm 2019, HAGL Agrico đã hoàn thành việc mua lại trái phiếu trước hạn từ Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB). Trước đó, HAGL Agrico đã mua lại trước hạn trái phiếu (đảm bảo bằng tài sản) với tổng giá trị hơn 2.100 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhằm tái cơ cấu nợ. Bản thân Hoàng Anh Gia Lai cũng mua lại trước hạn 594 tỷ đồng trái phiếu từ VPBank vào giữa năm 2019.

Những động thái trên tuy phần nào cho thấy, Hoàng Anh Gia Lai đã dần cởi được những rắc rối trong bài toán hóc búa về tài chính, nhưng không vì thế mà khỏa lấp được hết nỗi gian nan còn nặng gánh. Các con số về dòng tiền của Hoàng Anh Gia Lai vẫn cho thấy những gánh nặng “đá tảng”, khi dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh năm 2019 của doanh nghiệp này bị âm tới gần 3.192 tỷ đồng, sau khi đã âm gần 2.918 tỷ đồng trong năm 2018.

Tuy nhiên, HAGL trong năm 2019 cũng có những điểm sáng đến từ việc cơ cấu nguồn vốn. Cụ thể hơn, nguồn vốn nợ phải trả của HAGL giảm tới hơn 30% so với đầu năm, tương đương 9.722,8 tỉ đồng, dư nợ còn lại về mức 21.577 tỉ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay (ngắn hạn và dài hạn) giảm từ mức 21.753 tỉ đồng về mức 14.698 tỉ đồng vào cuối năm 2019, tương ứng với mức giảm 7.055 tỉ đồng. Nguồn vốn vay chủ yếu đến từ các khoản trái phiếu thường phát hành trong nước với dư nợ tính đến cuối năm 2019 là 7.164,68 tỉ đồng.

Vay ngắn hạn của HAGL giảm mạnh chính là nhờ thực hiện chuyển đổi hơn 2.000 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi cổ phần HAGL Agrico. Còn đối với các khoản vay dài hạn, Tập đoàn cũng đã giảm khoản mục trái phiếu thường trong nước hơn 30% so với đầu năm về còn 7.044,7 tỉ đồng. Nhờ vậy mà chi phí lãi vay trong năm giảm đáng kể, được cắt giảm 20% về mức hơn 1.220 tỉ đồng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 68%, còn 93 tỉ đồng nhờ phân bổ lợi thế thương mại khi thanh lý công ty con giảm.

Tuy nhiên, mối lo lâu dài đối với Hoàng Anh Gia Lai là giải pháp bán bớt công ty con không thể là lời giải lâu dài về tài chính, nếu Công ty không sớm có giải pháp tài chính bền vững để tạo được dòng tiền ổn định đến từ hoạt động kinh doanh. Vì vậy, năm 2020 là thời điểm rất quan trọng và cũng là phép thử trong cuộc vượt dốc gian nan của đại gia này.

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/phep-thu-trong-cuoc-vuot-doc-cua-hoang-anh-gia-lai-a23671.html