Trường hợp chị Hoàng T. L. (SN 1993, trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) bị mù mắt vì tiêm filler nâng mũi trong mới đây đã dấy lên hồi còi báo động cho những chị em thích “dao kéo làm đẹp”. Được biết, nạn nhân trước đó từng tiến hành nâng mũi tại cơ sở làm đẹp của Chu Thị Huyền (Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang).
Mù mắt vì tiêm filler nâng mũi
Như báo SKCĐ đã đưa tin, vào sáng 6/6/2019, chị L. được một người bạn tên V. (Hiệp Hòa, Bắc Giang) - cũng là học viên của cơ sở thẩm mỹ Chu Thị Huyền giới thiệu tiêm đến tiêm filler nâng mũi. Theo chị L., người bạn tên V. cũng đã nâng mũi ở đây với giá 2,2 triệu đồng.
Cơ sở thẩm mỹ của Chu Thị Huyền.
Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày, chị L. và V đã đến cơ sở thẩm mỹ này để thực hiện thủ thuật nâng mũi. Theo lời nạn nhân, chị Huyền cũng là chủ cơ sở là người trực tiếp làm cho mình. Sau khi bôi thuốc tê vào mũi, chị Huyền tiêm một lượng 1,5cc chất lỏng vào vùng đầu mũi và giữa mũi, gần 2 mắt cho khách hàng. Sau khi tiêm khoảng 20 phút, chị L. được yêu cầu nhắm mắt lại để tiếp tục tiêm thêm chất lỏng. Tuy nhiên, sau lần thứ hai, chị L. không thể mở mắt, không thể đứng dậy vì choáng váng và đau đầu. Chị L. hoảng sợ thì được chủ cơ sở thẩm mỹ trấn an đây chỉ là tác dụng nhất thời.
Tiếp đó, chị Huyền chườm nóng và mát xa mắt cho chị L. nhưng mắt phải nạn nhân vẫn không thể mở ra. Sơ cứu không thành, chị Huyền vẫn tiếp tục tiêm filler vào mũi khách hàng. Sau lần tiêm thứ ba, chị L. tiếp tục có biểu hiện đau đầu, choáng váng cũng như buồn nôn nhiều hơn. Thấy vậy, chị Huyền vẫn không chịu đưa chị L. tới bệnh viện mà cùng chồng đưa khách hàng tới một thẩm mỹ viện khác tại Hà Nội. Tại đây, chị L. được tiêm 2 mũi vào bắp đùi nhưng tình trạng nôn mửa, choáng váng và mất thị lực vẫn không thay đổi. Đến khoảng 20h ngày 6/6/2019, khi thấy sức khỏe khách hàng chuyển xấu, chị Huyền mới chịu đưa chị L. vào Bệnh viện Bạch Mai.
Chị L. bị mù vĩnh viễn mắt phải sau khi tiêm filler nâng mũi. Ảnh: Báo Giao Thông.
Đến ngày 28/6/2019 (sau 22 ngày điều trị), chị được xuất viện với tình trạng mắt phải mất thị lực hoàn toàn. Bác sĩ kết luận, mắt phải mất thị lực, xuất huyết nội nhãn, giác mạc liệt dây III, IV, VI, nhồi máu não đa ổ.
Vì sao tiêm filler có thể gây mù mắt?
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Phương Ngọc - nguyên giảng viên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM: Filler được phát minh để thay thế cho silicone lỏng, nó bao gồm HA (Hyaluronic Axit) – một axit có trong cơ thể đã được kiểm nghiệm thực thế và được Cục quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) công nhận. Thủ thuật tiêm filler vào mũi khá đơn giản nên cơ nhiều cơ sở không có cơ sở cũng tự mình thực hiện rồi “mồi chài” khách. Tuy nhiên, dù ít khi có biến chứng nhưng nếu việc tiêm filler không được thực hiện bởi những người được cấp phép hẳn hoi, hậu quả mang lại có thể ngoài tầm kiểm soát của khách hàng.
PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV Chợ Rẫy sau khi tiếp nhận nhiều ca biến chứng bởi tiêm filler đã cảm thấy vô cùng bức xúc: “Hiện nay, những trường hợp khách hàng tiêm filler mũi rất phổ biến vì nghĩ rằng việc này dễ làm lại nhanh chóng. Tưởng đơn giản, nhưng phải là BS có giấy phép hành nghề và được đào tạo về kỹ thuật mới biết được chỗ nào là mạch máu, dây thần kinh.
Cần lựa chọn thật kỹ trước khi tiêm filler nâng mũi.
Nếu tiêm filler nâng mũi nhầm vào mạch máu, việc này không chỉ gây đau mà còn khiến filler đi sâu vào mạch máu nuôi mắt, khiến mờ mắt, mù mắt, hoại tử da một vùng cánh mũi và sống mũi. Thậm chí nặng hơn có thể khiến bệnh nhân hôn mê, tử vong”.
Do đó, nếu muốn nâng mũi tiêm filler an toàn, người dùng cần chú ý kiểm tra rõ nguồn gốc của filler. Nên lựa chọn thật kỹ dòng filler kết hợp với sự tư vấn của bác sĩ chuyên ngành, chỉ chọn những loại filler đã được Bộ Y tế Việt Nam cấp phép lưu hành, đạt chuẩn y tế của quốc gia sản xuất. Bên cạnh đó, khách hàng cũng nên chọn bác sĩ được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm trong làm đẹp bằng filler, có đầy đủ chuyên môn và kinh nghiệm.
Hơn nữa, hiện nay các cơ sở thẩm mỹ thường sử dụng filler HA với Hyaluronic acid - có cấu trúc tương tự Acid Hyaluronic trong cơ thể người nên gần như không gây kích ứng khi tiêm. Tuy nhiên, cần lưu ý hàm lượng endotoxin cũng như dư lượng hóa học và chất xúc tác tạo nên liên kết chéo của HA cũng phải đạt tiêu chuẩn. Xem kỹ thành phần có trong filler có gây ra tác dụng phụ hay có những hạn chế nào hay không.