Dòng tiền âm, CTCP Bất động sản và đầu tư VRC có thật quyết mua cổ phiếu quỹ?

Phương án mua tối đa 20% cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ được CTCP Bất động sản và đầu tư VRC (mã chứng khoán VRC) xin ý kiến cổ đông thông qua bằng văn bản mới đây khiến nhà đầu tư băn khoăn.  

Phương án mua tối đa 20% cổ phiếu đang lưu hành làm cổ phiếu quỹ được CTCP Bất động sản và đầu tư VRC (mã chứng khoán VRC) xin ý kiến cổ đông thông qua bằng văn bản mới đây khiến nhà đầu tư băn khoăn.  

Phương án mua cổ phiếu quỹ của VRC được đưa ra trong bối cảnh cổ phiếu này mất gần 80% giá trị sau 19 phiên giảm sàn liên tiếp, từ vùng giá 25.000 đồng/cổ phiếu về 5.800 đồng/cổ phiếu.

Mua cổ phiếu quỹ là hoạt động khá phổ biến của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khi giá cổ phiếu giảm mạnh.

Việc này có tác động tức thời là trấn an tâm lý của giới đầu tư, tăng sức cầu để chặn đà giảm giá của cổ phiếu, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp và quyền lợi của cổ đông.

Về lâu dài, khoản cổ phiếu quỹ này như “của để dành” của doanh nghiệp, có thể bán ra thu lời khi cổ phiếu tăng giá. Dẫu vậy, kế hoạch mua cổ phiếu quỹ của VRC có nhiều điều khiến thị trường băn khoăn.

VRC vốn là doanh nghiệp hoạt động trong ngành xây lắp tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Sau khi tái cơ cấu, Công ty chuyển sang hoạt động kinh doanh bất động sản, đầu tư và M&A, nhưng doanh thu vẫn chủ yếu đến từ bất động sản.

Năm 2017, mảng bất động sản (bất động sản đầu tư và bán đất nền) đóng góp 94,6% trong tổng doanh thu của Công ty; năm 2018, tỷ trọng này là 77,6% và năm 2019 là 93,4%. Vài năm trở lại đây, mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty có dấu hiệu đi xuống.

Thậm chí, năm 2019, lợi nhuận hoạt động kinh doanh chính âm 2,72 tỷ đồng, nhưng Công ty vẫn có lãi nhờ vào hoạt động tài chính (trong năm, Công ty ghi nhận 32,18 tỷ đồng lợi nhuận tài chính, chủ yếu từ chuyển nhượng khoản đầu tư).

Tính tới 31/12/2019, tổng tài sản của VRC là 1.675,1 tỷ đồng; trong đó, chủ yếu là hàng tồn kho, với 1.132,5 tỷ đồng, chiếm 67,6% và 463 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết, chiếm 27,6% tổng tài sản.

Theo thuyết minh báo cáo tài chính, hàng tồn kho của VRC chủ yếu nằm ở các dự án bất động sản dở dang như Dự án Khu dân cư Nhơn Ðức, Phước Lộc – Nhà Bè (869,2 tỷ đồng); Dự án Khu dân cư ADC, Phú Mỹ (250,7 tỷ đồng) và dự án Khu dân cư Long An A (12,5 tỷ đồng).

Còn 463 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết chính là khoản đầu tư vào CTCP Ðóng tàu và dịch vụ Cảng Mỹ Xuân, với tỷ lệ sở hữu là 46%.

Ðây là doanh nghiệp chủ sở hữu dự án cảng tổng hợp container rộng 50,3 ha, có khả năng tiếp nhận tàu hàng tải trọng 50.000 – 80.000 DWT, công suất hàng thông qua khoảng 10 – 12 triệu tấn/năm, hiện đang trong giai đoạn đầu tư.

Xem xét kỹ các dự án tồn kho của VRC, có thể thấy, doanh nghiệp chủ yếu đẩy mạnh thực hiện Dự án Khu dân cư Nhơn Ðức.

Năm 2019, VRC đã đầu tư 869,2 tỷ đồng vào dự án này, tăng 315,2 tỷ đồng so với năm 2018; các dự án khác tăng không đáng kể và duy trì trong một thời gian dài bên cạnh đầu tư gián tiếp vào công ty liên kết.

Tổng vốn đã đầu tư vào hai dự án chính là Khu dân cư Nhơn Ðức và Cảng Mỹ Xuân lên tới 1.332,2 tỷ đồng.

Ðầu tư lớn, các dự án đang trong giai đoạn xây dựng nên dòng tiền hoạt động kinh doanh của Công ty liên tục âm: năm 2017 âm 81,2 tỷ đồng, năm 2018 âm 322 tỷ đồng và năm 2019 âm tiếp 355,3 tỷ đồng.

Doanh thu từ các hoạt động khác không đủ bù đắp dòng tiền, VRC phải liên tục phát hành tăng vốn bổ sung và tăng vay nợ. Cụ thể, năm 2017, Công ty phát hành tăng vốn thu về 390,3 tỷ đồng, năm 2019 vay ròng tăng thêm 276,8 tỷ đồng để bổ sung dòng tiền kinh doanh.

Quay trở lại câu chuyện VRC dự tính mua cổ phiếu quỹ, với vốn điều lệ hiện tại là 500 tỷ đồng, nếu thực hiện mua tối đa 20% cổ phiếu đang lưu hành, Công ty sẽ mua vào 10 triệu cổ phiếu. Với thị giá hiện tại là quanh vùng 7.000 đồng/cổ phiếu, VRC ước tính phải bỏ ra khoảng 70 tỷ đồng để mua vào lượng cổ phiếu này.

Ðây là con số đáng kể, xét trong bối cảnh dòng tiền kinh doanh của Công ty vẫn âm và Công ty đang phải lên kế hoạch thế chấp cổ phiếu của CTCP Ðóng tàu và dịch vụ Cảng Mỹ Xuân để đảm bảo cho đợt phát hành trái phiếu của ADEC – công ty con của VRC (được VRC trình xin ý kiến cổ đông cùng với kế hoạch mua cổ phiếu quỹ).

Trên báo cáo tài chính quý IV/2019 của Công ty, giá trị khoản mục tiền và tương đương tiền chỉ có trên 14,4 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm.

Chưa rõ VRC sẽ huy động dòng tiền từ đâu để mua cổ phiếu quỹ, nhưng có một điều khá rõ ràng, sau khi thông tin mua cổ phiếu quỹ loang ra, thị giá cổ phiếu này đã có 4 phiên tăng trần liên tiếp.

Phiên giao dịch cuối tuần qua (21/2), dù có sự điều chỉnh nhưng thị giá cổ phiếu VRC đứng ở mức 7.410 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 27% so với phiên 14/2.

Vũ Duy Bắc - Theo Báo Đầu Tư

https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep/dong-tien-am-ctcp-bat-dong-san-va-dau-tu-vrc-co-that-quyet-mua-co-phieu-quy-315760.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/dong-tien-am-ctcp-bat-dong-san-va-dau-tu-vrc-co-that-quyet-mua-co-phieu-quy-a22016.html