Vướng đủ kiểu
Tập đoàn Novaland vừa có đơn gửi hàng loạt cơ quan chức năng để kêu cứu về những khó khăn vướng mắc trong các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Hiện tại, Novaland đang gặp hàng loạt khó khăn về dự án Khu chung cư Cô Giang tại số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1. Dự án Trung tâm thương mại văn phòng officetel và căn hộ tại số 151-155 Bến Vân Đồn phường 6 quận 4. Dự án Khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền quận 2 và dự án Cao ốc Thương mại và căn hộ tại số 1W Điện Biên Phủ phường 25 quận Bình Thạnh.
Novaland đang gặp khó ở hàng loạt dự án. |
Ngoài ra dự án Khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ, phường An Phú, quận 2 và 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở Tài nguyên Môi trường và các Sở ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân…
Đối với dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh, quận 2 thì các Bộ ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với Thủ Thiêm. Song song đó các Sở ngành tại TP.HCM vẫn đã và đang rất nỗ lực tìm kiếm, đề xuất các giải pháp báo cáo Bộ ngành Trung ương, Chính phủ để sớm có hướng thực thi nghiêm túc.
Tại dự án này, Novaland đưa ra hai phương án. Phương án 1 là được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10. Đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 và các hạng mục thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá. Phương án 2 sẽ được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Công ty Lê Thành lại gặp khó khăn ở dự án Nhà ở xã hội Lê Thành Tân Kiên. Theo quy hoạch, kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016-2020 thì khu đất này ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch Đầu tư từ tháng 3/2019 đến nay đã gần 1 năm nhưng vẫn chưa có Quyết định chủ trương đầu tư.
Trong khi đó, Công ty Him Lam là chủ đầu tư dự án thành phần Khu nhà ở Him Lam, phường Phước Bình, quận 9, có diện tích 2,16ha với 34 nền nhà biệt thự, đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2003 và đã hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực dự án từ năm 2010.
Dự án Khu nhà ở Him Lam là dự án thành phần thuộc dự án Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9, do Công ty Cổ phần Địa ốc 10 làm chủ đầu tư chính, có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng trục chính trên toàn bộ dự án.
Him Lam đứng hình ở Khu đô thị mới Bắc Rạch Chiếc, phường Phước Bình, quận 9. |
Nhưng do Công ty Địa ốc 10 đến nay vẫn chưa hoàn thành trách nhiệm của chủ đầu tư chính, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hệ thống hạ tầng và dự án này đã bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thanh tra nên dự án Khu nhà ở Him Lam vẫn chưa được giao đất để Him Lam thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất và làm sổ đỏ cho khách hàng.
Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long trúng đấu giá đất từ năm 2004 bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện dự án Dragon City. Công ty Phú Long đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án.
Tuy nhiên đến nay, tại Phân khu số 15 của Dự án Dragon City, vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay Công ty Phú Long không thể triển khai dự án.
Ngoài ra, UBND TP.HCM giao Công ty Phú Long làm chủ đầu tư dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220kV Nhà Bè-Tao Đàn (đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè). Trung tâm phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè có trách nhiệm tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất cho Công ty Phú Long thực hiện dự án ngầm hóa tuyến điện. Công ty Phú Long có trách nhiệm ứng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng và ngầm hóa tuyến điện.
Theo phương án bồi thường được duyệt, Công ty Phú Long đã chuyển hơn 160 tỷ đồng cho Trung tâm phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng hơn 12 năm nay, Trung tâm phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong để giao đất cho Công ty Phú Long thực hiện dự án ngầm hóa và chưa biết bao giờ việc bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện xong.
Công ty Phú Long gặp khó với 2 dự án ở Nhà Bè. |
Trong nhiều năm qua, Công ty Phú Long đã có rất nhiều văn bản gửi UBND TP.HCM, UBND huyện Nhà Bè và các sở ngành có liên quan kiến nghị giải quyết 2 nội dung nêu trên. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo về nội dung này. Tuy nhiên cho đến nay, chưa có bất kỳ sự tiến triển nào trong việc giải quyết bồi thường giải phóng mặt bằng tại dự án phân khu số 15 và dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220Kv Nhà Bè-Tao Đàn.
Công ty Quốc Cường Gia Lai đang có 6 dự án đang bị ách tắc nhiều tháng qua, gây thiệt hại rất lớn cho công ty và cán bộ công nhân viên. Cụ thể, dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè có diện tích 91ha, đã được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư từ năm 2017 và quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án cũng đã được phê duyệt từ tháng 4/2017.
Trong thời gian qua, rất nhiều lần Quốc Cường Gia Lai đã gửi văn bản đến Sở Tài nguyên Môi trường xin giao đất. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên Môi trường không trả lời văn bản, chỉ hướng dẫn miệng: “Sở Xây dựng trình chấp thuận đầu tư và đã được UBND TP.HCM duyệt là chưa đúng quy trình”.
Doanh nghiệp khánh kiệt
Theo đại diện Công ty Quốc Cường Gia Lai, do dự án có quỹ đất hỗn hợp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên Quốc Cường Gia Lai phải quay về Sở Kế hoạch Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu. Trước hết là thủ tục “Quyết định chủ trương đầu tư” và nếu tiếp tục các bước thủ tục, thì không biết đến năm 2022 công ty có được hoàn tất các bước thủ tục để được “chấp thuận đầu tư” hay không mà thủ tục này, công ty đã được UBND TP.HCM “chấp thuận đầu tư” từ năm 2017.
“Do bất cập của các chính sách mà công ty chúng tôi mất hơn 3 năm cũng chưa làm xong thủ tục. Công ty bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh. Công ty không biết xoay sở vào đâu, dòng tiền thu chi không chủ động được. Tất cả ách tắc này chỉ vì sự bất cập của các thủ tục đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, mà lỗi này hoàn toàn không phải do công ty chúng tôi gây ra”, đại diện Quốc Cường Gia Lai nói.
Vị đại diện này nói thêm, Công ty Quốc Cường Gia Lai rất đau lòng, không biết thủ tục dự án này sẽ đi đâu và về đâu. Công ty rất bị rối, không thể có kế hoạch kinh doanh, dòng tiền thu chi và tiền lãi phải trả cho các đối tác liên doanh ngày một gia tăng. Công ty và đối tác không thể định hướng được kế hoạch sản xuất kinh doanh, vì không thể biết được thời gian hoàn tất thủ tục để chuẩn bị tài chính, nộp thuế, thi công xây dựng, thực hiện dự án.
Công ty Quốc Cường Gia Lai bị thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh vì dự án chậm triển khai. |
Trong khi đó, Novaland mong các cơ quan nhà nước liên quan cũng như Chính phủ sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại. Cho phép chủ đầu tư được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản , đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân.
Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, hầu hết các dự án gặp khó hiện nay đều xuất phát từ việc giao đất công không qua đấu giá, kể cả đất công xen kẹt, không qua quá trình đấu thầu lựa chọn đầu tư (đất không phải nhà nước quản lý và chưa giải phóng mặt bằng).
Tuy nhiên, khi xảy ra vấn đề, nhiều cơ quan lại né tránh, đùn đẩy, không xử lý sai phạm ngay thời điểm đó nên các hồ sơ, thủ tục bị dồn ứ kéo dài. Doanh nghiệp chờ đợi mòn mỏi nhưng dự án thì vẫn “nằm” một chỗ phơi nắng phơi mưa. Theo ông Quyền, để giải quyết vướng mắc thì cả doanh nghiệp lẫn cơ quan nhà nước cần phải nhìn ra bản chất của vấn đề, phân định rõ đúng sai.
“Dự án rõ ràng là gặp vướng mắc nên bị rà soát nhưng nên tách việc xử lý cá nhân với việc khắc phục hậu quả ra để làm. Trên nguyên tắc chung là sai phải xử lý, nếu không hoặc chưa xử lý cái sai thì phải cho doanh nghiệp làm ngay, không thể lập lờ”, ông Quyền nói.