UBND TP.HCM vừa có công văn gửi Chính phủ và các bộ ngành kiến nghị cho học sinh, sinh viên, học viên cả nước nghỉ học hết tháng 3 để phòng chống dịch viêm phổi do virus corona. Nhiều chuyên gia y tế đánh giá TP.HCM đang phòng bị hơi kỹ. Ý kiến khác cho rằng TP.HCM không phải tâm dịch, có thể đi học trở lại ngay trong tháng 3 này.
Tổ chức sát khuẩn, bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại trường. Ảnh: Báo Phú Thọ
Tới thời điểm hiện tại, tình hình kiểm soát dịch bệnh có nhiều lạc quan, Tổ chức y tế thế giới (WHO) cũng đã ghi nhận Việt Nam kiểm soát dịch bệnh tốt.Một chuyên gia y tế đánh giá, dịch bệnh Covid- 19 có diễn biến khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một trong những biện pháp hạn chế lây lan hiệu quả chính là hạn chế tập trung đông người, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh đang có nguy cơ bùng phát. Việc này đã được Việt Nam thực hiện bằng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp cho học sinh cả nước đồng loạt nghỉ học trong suốt 3 tuần được xem là căng thẳng nhất.
Tính tới ngày 19/2, Việt Nam có 16 ca nhiễm bệnh, đã có 14 ca được chữa khỏi. Hai bệnh nhân có tiến triển tốt, chuẩn bị được xuất viện. Cả nước không ghi nhận có thêm bệnh nhân mắc bệnh mới.
Đặc biệt tại các tỉnh phía Nam. Đến ngày 19/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM cũng kết luận, không còn người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19, tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đều có xét nghiệm âm tính.
Một điểm đặc biệt đáng lưu ý, nền nhiệt độ trung bình tại TP.HCM hiện tăng cao, giao động từ 24 - 35 độ C, không thuận lợi cho virus corona hoạt động, phát triển.
"Nếu chỉ dựa trên tâm lý lo lắng, bất an mà chưa căn cứ trên cá đánh giá khoa học để đề xuất cho học sinh nghỉ học là chưa thỏa đáng.
Đánh giá về dịch bệnh phải căn cứ vào điều kiện của Việt Nam chứ không phải dựa trên diễn biến của Trung Quốc hay các nước khác trên thế giới. Vì thế, TP.HCM đề xuất cho học sinh nghỉ học hết tháng 3 thì phải giải thích rõ cơ sở để kiến nghị như vậy là gì? TP.HCM đang dựa trên cơ sở dịch bệnh của Trung Quốc hay dựa theo điều kiện của Việt Nam?
TP.HCM không phải địa phương có nguy cơ và không phải là tâm dịch, kiến nghị cho học sinh nghỉ học dài có vẻ là do sợ trách nhiệm trước cha mẹ, phụ huynh học sinh", vị chuyên gia đặt câu hỏi.
Từ cách nhìn nhận trên, vị chuyên gia cho rằng TP.HCM đề xuất là một việc, xem xét cho học sinh nghỉ học hay không Bộ GD-ĐT phải dựa vào điều kiện phát triển của dịch bệnh tại địa phương đó.
"TP.HCM không phải là tâm dịch, khắp các tỉnh từ Cà Mau, An Giang, Kiên Giang... không có dấu hiệu của bệnh dịch nhưng hiện nay học sinh cũng nghỉ học tràn lan.
Bộ GD-ĐT cần phải có đánh giá những tác động cụ thể từ bệnh dịch tới các địa phương đó, trên cơ sở đó để xem xét có quyết định cho học sinh nghỉ học hay không", vị chuyên gia nói.
Cũng theo vị chuyên gia này, việc nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, ngăn chặn nguy cơ lây lan là cần thiết khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, ở điều kiện hiện nay nếu đã kiểm soát được dịch bệnh mà vẫn tiếp tục kéo dài thời gian nghỉ học sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều vấn đề từ kinh tế, sản xuất cho tới đời sống, sinh hoạt của người dân.
Lấy ví dụ ngay trong cơ quan mình, ông cho biết do học sinh được nghỉ học, cán bộ nhân viên phải thay nhau ở nhà trông con, dẫn tới công việc chểnh mảng, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của đơn vị.
Chưa nói tới những than phiền về việc khó kiểm soát con cái do ý thức của nhiều học sinh, sinh viên trong phòng tránh dịch chưa tốt, lại có những trường hợp buồn chán vì nghỉ dài ngày nên tìm tới các quán bar, tụ tập bạn bè, gây bất an, lo lắng, thậm chí còn dẫn tới nhiều hệ lụy lớn hơn.
Từ thực tế trên, ông cho rằng việc phòng chống dịch là tốt nhưng không nên quá đà.
"Đề xuất của TP.HCM cho học sinh cả nước nghỉ hết tháng 3 là phòng dịch "quá kỹ". Cần cân nhắc và quyết định dựa trên điều kiện thực tế của địa phương cũng như các đánh giá chuyên sâu về mặt y khoa.Cũng có cách nhìn tương tự nhưng thận trọng hơn, GS Phạm Gia Khải - nguyên Phó trưởng Ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương cho rằng, có thể xem xét cân nhắc thời gian đi học với các tỉnh miền Bắc nhưng TP.HCM và các tỉnh phía Nam có thể tổ chức cho học sinh đi học trở lại và học ngay trong tháng 3 này.
Cùng với việc cho học sinh đi học trở lại, Bộ Y tế, Bộ GD-ĐT nên yêu cầu các địa phương, trường hợp thực hiện sát khuẩn theo hướng dẫn của WHO tổ chức tổng vệ sinh trường lớp, tạo cảnh quan môi trường thoáng mát, đồng thời chuẩn bị đồng bộ các biện pháp sát khuẩn, bảo đảm an toàn cho học sinh trở lại.
Nếu làm tốt các giải pháp phòng chống dịch, các tỉnh không có dịch như TP.HCM hoàn toàn có thể cho học sinh trở lại trường", vị GS nói.
Lam Lam - Theo baodatviet.vn
https://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/tphcm-kien-nghi-hoc-sinh-nghi-het-thang-3-co-so-nao-3397275/
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/21468-2-a21468.html