Dự án Khu công nghiệp (KCN) Phú Tân (trước đây là KCN Phú Gia) tại tỉnh Bình Dương thuộc Khu liên hợp Công nghiệp – Dịch vụ và Đô thị Bình Dương (Khu liên hợp Bình Dương) có nhiều sai phạm trong công tác đầu tư đã được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại kết luận số 2623/KL-TTCP từ năm 2008. Nhưng đã gần 12 năm trôi qua vẫn chưa được xử lý và để lại hệ luỵ.
Cuối năm 2019, dư luận bức xúc trước vụ việc Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là TCT Bình Dương, tiền thân là Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3-2 Sông Bé), là đơn vị kinh tế của Tỉnh uỷ Bình Dương. Trước khi cổ phần hoá, TCT Bình Dương đã bán hơn 188ha đất công tại Khu liên hợp Bình Dương cho hai công ty liên kết với giá rẻ bất thường gây thất thoát ngân sách Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Đây là dự án đã được Thanh tra Chính Phủ kết luận chỉ ra nhiều sai phạm trong việc đầu tư dự án từ năm 2008. Thế nhưng, đã gần 12 năm trôi qua, những sai phạm mà Thanh tra Chính phú chỉ ra đã không được xử lý. Thậm chí, đã có không ít hệ luỵ xảy ra tại dự án này, trong đó có Khu công nghiệp Phú Tân (trước đây là KCN Phú Gia) do Công ty CP Đầu tư xây dựng công nghiệp Nam Kim (Công ty Nam Kim) làm chủ đầu tư thuộc 1 trong 5 dự án khu công nghiệp Khu liên hợp Bình Dương.
Theo hồ sơ mà Dân Việt thu thập được, năm 2003 Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho tỉnh Bình Dương thành lập Khu liên hợp Bình Dương, với tổng diện tích theo đề án được duyệt là 4.196,8ha. Theo đồ án quy hoạch chung, Khu liên hợp Bình Dương được phân thành năm phân khu chức năng gồm 1.573,4ha đất khu công nghiệp (KCN) tập trung; 613 khu dịch vụ; 1.650 đất khu đô thị (KĐT), trong đó 655 ha đất tái định cư; 132,5ha là đất dùng xây dựng các công trình giao thông và 227,9ha đất hạ tầng kỹ thuật khác. Trong đó, dự án KCN Phú Tân (trước đây là KCN Phú Gia) là 1 trong 5 dự án khu công nghiệp Khu liên hợp Bình Dương. Tuy nhiên, trong quá trình giao, cho thuê đất tại Khu liên hợp Bình Dương đã có nhiều dấu hiệu sai phạm.
Cụ thể, tại Kết luận thanh tra số 2623/KL-TTCP ngày 26/11/2008 của Thanh tra Chính Phủ nêu rõ, việc giao đất và cho thuê đất đối với 6 nhà đầu tư KCN với tổng diện tích là 1.541,53ha thì các quyết định giao đất, hợp đồng thuê đất được ký từ năm 2006 và 2007, nhưng thực chất đã được UBND tỉnh Bình Dương đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc phê duyệt vào các hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” ký kết giữa Ban quản lý (BQL) Khu liên hợp và các nhà đầu tư từ năm 2004 với đơn giá 700 triệu đồng/ha, chưa bao gồm tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất phải nộp.
Việc giao đất cho các nhà đầu tư KCN chỉ dựa vào những căn cứ của đề án dự kiến quy hoạch Khu liên hợp và đơn xin giao đất của các nhà đầu tư chứ không có văn bản thẩm định nhu cầu sử dụng đất, không có bảng kê khai tự nhận xét về chấp hành luật đai của đơn vị giao đất và các trình tự thủ tục khác là trái với Nghị định 181/2004/NĐ-CP.
Trong khi đó, việc giao đất dịch vụ cho 2 nhà đầu tư là TCT Bình Dương và Công ty CP truyền thông Trí Việt với tổng diện tích hơn 574,3ha đồng ý về mặt chủ trương thông qua việc UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực”. Mặc dù chưa có quyết định giao đất nhưng đã được bàn giao đất trên thực địa.
Sau khi ký hợp đồng “đền bù mặt bằng đất đai và đầu tư công trình tạo lực” chưa có quyết định giao đất, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, chưa được cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) nhưng TCT Bình Dương đã góp vốn bằng quyền sử dụng với diện tích 312ha để thành lập 2 công ty cổ phần là Công ty CP Phú Mỹ được TCT dùng 162ha đất được định giá 8,1 triệu USD để góp vốn cùng 2 đối tác nước ngoài và Công ty CP Phát triển và Đầu tư Tân Thành được dùng 150ha đất được định giá 9 triệu USD để góp vốn.
Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, việc giao đất dịch vụ và đô thị cho các nhà đầu tư, không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất là chưa đúng với quyết định số 912/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Với những sai phạm ngay từ khi dự án được đầu tư đã để lại những hệ luỵ rất lớn cho việc đầu tư, phát triển Khu liên hợp Bình Dương.
Trong đó, đến năm 2004, KCN Phú Gia (đã đổi tên thành KCN Phú Tân) là một trong 2 nhà đầu tư được giao đất và đền bù 100% diện tích đất đầu tiên của Khu liên hợp Bình Dương. Dự án có tổng diện tích hơn 133ha, nhưng cho đến thời điểm này, cũng chỉ có 2 nhà đầu tư vào thuê đất với tổng diện tích khoảng gần 17ha, số còn lại vẫn đang để hoang hóa.
Tuy không thu hút đầu tư nhà máy KCN với hơn 116,5ha bị bỏ hoang, nhưng KCN Phú Tân lại rất “náo nhiệt” ở khâu chuyển nhượng dự án.
Theo đó, tháng 2/2018, Kim Oanh Group cũng đã “thâu tóm” Công ty Nam Kim, với thời hạn sử dụng đất đến năm 2056 (đất thuê 50 năm). Người đứng tên đại diện pháp luật Công ty Nam Kim là bà Nguyễn Thị Nhung (con gái của bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Kim Oanh Group). Trước khi về tay Kim Oanh Group, ít nhất dự án KCN Phú Tân đã chuyển nhượng qua 3 chủ đầu tư khác.
Theo tài liệu chúng tôi có được, ngoài diện tích khoảng 17ha đất đã được 2 nhà đầu tư thuê lại, trong diện tích đất còn lại khoảng hơn 116,5ha thì có đến hơn 38,6 ha nhà nước giao đất không thu tiền. Như vậy, có thể hiểu trong dự án KCN Phú Tân có hơn 38,6ha thuộc diện đất công được giao cho doanh nghiệp quản lý và đồng thời việc Kim Oanh Group thu mua được cả diện tích đất công này? Việc làm này có trái luật hay không, khi giao đất công cho doanh nghiệp tư nhân mà không qua đấu giá ?