Tính đến nay, nợ phải trả của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh (CII) lên đến con số gần 22 ngàn tỷ đồng. Trong đó, CII có dư nợ hàng ngàn tỷ đồng ở một loạt ngân hàng như HDBank, Vietinbank, BIDV, VPBank, TPBank…
The River Thủ Thiêm – tầm ngắm thanh tra
Dự án The River Thủ Thiêm hiện nay được đầu tư xây dựng bởi Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (CII) và Công ty Cổ Phần Phát Triển và Tài Trợ Địa Ốc R.C (Refico).
Trước đó, Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Tp.HCM (CII) đã công bố thông tin về việc hợp tác với Công ty Cổ phần City Garden để phát triển dự án Thủ Thiêm Riverpark (giai đoạn 1).
Cụ thể, City Garden sẽ hỗ trợ toàn diện cho CII trong việc phát triển dự án. Toàn bộ sản phẩm của dự án sẽ được phân phối theo hình thức bán sỉ.
Được biết, dự án Thủ Thiêm Riverpark (nay là The River Thủ Thiêm) do Công ty CP Đầu tư bất động sản Thủ Thiêm River Park làm chủ đầu tư (tên gọi chính thức là The Riverin) nằm trong Khu đô thị Thủ Thiêm, Quận 2, Tp.HCM.
Dự án được phát triển bởi liên doanh giữa CII và Hongkong Land, có diện tích 3,5ha với quy mô 1.140 căn hộ. Dự án được khởi công xây dựng từ quý 3/2018 và dự kiến bàn giao vào năm 2021.
Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên năm 2019, tổng giám đốc CII khẳng định với nhà đầu tư rằng CII đang hợp tác với Hongkong Land để phát triển dự án Thủ Thiêm River Park, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 400 triệu USD. Dự án đã bắt đầu xây nhà mẫu, phần phụ trợ như tường rào, khoan cọc nhồi, dự kiến cuối tháng 5/2019 sẽ có giấy phép xây dựng.
Tuy nhiên, chưa đầy một năm sau, Hongkong Land đã rút khỏi dự án Thủ Thiêm River Park và nguyên nhân vì sao liên doanh này “tan vỡ” chưa được các bên công bố.
Như đã nói ở trên, Thủ Thiêm River Park nay đã được đổi tên thành The River Thủ Thiêm. Dự án này nằm mặt tiền đường Nguyễn Cơ Thạch tại phân lô 3.15 và 3.16 thuộc bán đảo Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM).
Ghi nhận thực tế của phóng viên tại dự án The River Thủ Thiêm hiện nay, toàn bộ công trường thi công nhộn nhịp với nhiều công nhân và phương tiện máy móc. Hiện dự án đang trong giai đoạn thi công phần nền móng.
Theo một môi giới đang rao thông tin về dự án này, The River Thủ Thiêm là dự án đã hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý và dự kiến sẽ mở bán vào đầu tháng 4/2020. Giá bán dự kiến của dự án từ 6.000 USD/m2.
Cuối năm 2019, Kiểm toán Nhà nước thông báo dự án BT này thuộc một trong ba dự án BT tại KĐT mới Thủ Thiêm được Chính phủ yêu cầu Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vào cuộc kiểm toán. Theo đó, KTNN sẽ kiểm toán nhằm xác định lại tổng mức đầu tư và giá trị tiền sử dụng đất theo giá thị trường và qui định của pháp luật.
Nợ phải trả tăng vọt, cổ đông lo lắng
Vào thời điểm giữa năm 2019, khi nợ phải trả của CII tăng lên 16 ngàn tỷ đồng, cổ đông CII đã phải gửi văn bản đến lãnh đạo Công ty đề nghị giải đáp: “Thời gian vừa qua, Công ty CII liên tục phát hành trái phiếu và tăng vay nợ ngân hàng. Là một cổ đông của CII, tôi rất lo lắng về khả năng trả nợ, khả năng thanh toán của CII trong thời gian tới. Tôi rất mong Công ty có thuyết minh về vấn đề này cho cổ đông“.
Lúc này, Ban lãnh đạo CII khẳng định: “Công ty vẫn còn dư số tiền khá lớn với khoảng 1.000 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông cũng như chuẩn bị nguồn vốn để trả các khoản nợ đến hạn trong năm 2020“.
Tuy nhiên, báo cáo quý 4/2019, CII ghi nhận con số nợ phải trả lên đến 21.960 tỷ đồng (tăng 7.400 tỷ đồng so với đầu năm 2019), trong đó, nợ ngắn hạn là 12,4 ngàn tỷ đồng, nợ dài hạn là 9,5 ngàn tỷ đồng.
Mục vay và nợ tài chính ngắn hạn nghi nhận con số 4,6 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, CII hiện đang dự nợ ngắn hạn tại: Ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP. Hồ Chí Minh (HDBank) là 309 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là 224 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 350 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) là 75 tỷ đồng; vay các công ty chứng khoán là 332 tỷ đồng; vay của các cá nhân và doanh nghiệp khác là 815 tỷ đồng; khoản vay dài hạn đến hạn trả là 458 tỷ đồng; trái phiếu đến hạn là hơn 2.000 tỷ đồng.
Về khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, CII đang dư nợ tại: Viettinbank là 3,6 ngàn tỷ đồng; BIDV là 2,3 ngàn tỷ đồng; TPBank là 404 tỷ đồng; các cá nhân khác là 254 tỷ đồng; trái phiếu phát hành là 2.540 tỷ đồng… Tổng cộng, CII còn vay và nợ dài hạn là 8,8 ngàn tỷ đồng (tăng 2,5 ngàn tỷ đồng so với con số đầu năm 2019).
Hàng tồn kho tăng vọt – rủi ro khó lường về tài chính
Tại thời điểm ngày 31/12/2019, tài sản ngắn hạn của CII đạt 12.958,7 tỷ đồng, tăng 119,6% so với đầu năm. Một trong những yếu tố đóng góp vào sự tăng mạnh của tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu có tốc độ tăng 55,7% và đạt giá trị 6.228,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số đáng chú ý là hàng tồn kho với giá trị 5.738 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5,8 lần so với đầu năm.
Hàng tồn kho của CII chủ yếu nằm tại công ty con bởi theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, giá trị hàng tồn kho chỉ là 50,3 tỷ đồng, thậm chí còn giảm so với thời điểm đầu năm 2019. Hàng tồn kho trong báo cáo tài chính hợp nhất của CII chủ yếu nằm tại các dự án bất động sản dở dang của doanh nghiệp này.
Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, đáng chú ý nhất là Dự án Khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside với giá trị hàng tồn kho hơn 1.633 tỷ đồng. Đây là dự án do CII góp 80% vốn, có tổng mức đầu tư 1.960 tỷ đồng. Dự án nằm ngay quận 1, TP.HCM, gồm 2 tòa nhà cao 30 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là 130.693 m2, 1.708 căn hộ.
Ngoài ra, tại dự án Khu căn hộ cao tầng NBB Garden II, CII còn tồn kho 710 tỷ đồng; dự án nhà ở chung cư tại lô 3.15 tồn kho 781 tỷ đồng; Garden II tồn kho gần 700 tỷ đồng; dự án khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi tồn kho gần 600 tỷ đồng; dự án biệt thự đồi Thủy Sản – Quảng Ninh tồn kho gần 300 tỷ đồng; dự án khu du lịch De-Lagi tồn kho hơn 160 tỷ đồng.
Nắm trong tay khối hàng tồn kho lớn, CII đứng trước cơ hội thu hàng ngàn tỷ đồng tiền bán hàng trong năm 2020, khi các dự án trên hoàn thành và bung hàng.
Tuy nhiên, lằn ranh được – mất khá mong manh, bởi nếu dự án chậm hoàn thành hoặc việc bán hàng không thuận lợi, thì doanh nghiệp cũng sẽ mắc kẹt vốn tại đây, đẩy gánh nặng lớn lên chi phí tài chính khi không thể quay vòng vốn hiệu quả.
Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh được thành lập ngày 24/12/2001. Vốn hóa thị trường của CII hiện ở con số gần 5,9 ngàn tỷ đồng. CII là doanh nghiệp chuyên về đầu tư xây dựng, khai thác, kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đô thị theo phương thức BOT – BT – BOO; thu phí giao thông; kinh doanh nhà ở, tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính; san lấp mặt bằng, thu gom rác thải, thiết kế, trồng, chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, hòn non bộ…
Về hạ tầng, giao thông, CII đầu tư vào các dự án như: Mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, cầu Sài Gòn, Dự án cầu Bình Triệu 1, Dự án cầu Rạch Chiếc, Dự án tránh QL1A Phan Rang – Tháp Chàm, dự án trục Bắc – Nam khu đô thị mới Thủ Thiêm, Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, giai đoạn 1; Dự án cầu Rạch Miễu; dự án mở rộng QL60 nối Rạch Miễu và cầu Cổ Chiên (Bến Tre);
Về nước sạch, CII đã đầu tư vào dự án nhà máy nước Tân Hiệp 2, dự án nhà máy nước BOO Thủ Đức.
Về bất động sản, CII đang và đã đầu tư các dự án như: chung cư cao cấp thủ thiêm Marina Bay, cao ốc Diamond Riverside, cao ốc 152 Điện Biên Phủ (TP HCM), cao ốc Lữ Gia Plaza, chung cư 155 Nguyễn Chí Thanh (TP HCM), Dự án căn hộ cao cấp Thủ Thiêm LakeView…
Hải Ninh - Theo Báo Sức khỏe Cộng đồng
https://baosuckhoecongdong.vn/no-phai-tra-hon-20-ngan-ty-dong-cii-co-du-suc-thuc-hien-du-an-the-river-thu-thiem-153038.html