Hàng loạt trường hợp cầu cứu bác sĩ vì dùng mỹ phẩm trôi nổi
Mới đây, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận trường hợp chị T.P.T (26 tuổi, ngụ Đắk Lắk). Chị T. bị sạm đen toàn bộ vùng cổ và mặt, bề mặt ngứa ngáy, loang lổ, mụn mủ và xước do gãi nhiều. Chị T. chia sẻ, trước đó chị đã mua kem trộn trên mạng, không rõ nguồn gốc để trị nám trên mặt. Sau vài ngày thoa kem, chị thấy mặt ngứa rát nhẹ, bong vảy ở cổ và mặt. Thấy vậy, chị T. tìm đến 1 spa gần nhà, cũng được “trị liệu” bằng thuốc thoa và kem dưỡng không rõ nguồn gốc. Dù mặt bị ngứa, chị vẫn kiên trì sử dụng vài tuần. Cuối cùng, nhìn da sạm nám nghiêm trọng chị phải đến bệnh viện cầu cứu. Tại đây, chị được chẩn đoán ban dạng trứng cá và tăng sắc tố sau viêm trên nền bệnh nám da do sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc.
Nhiều chị em nhận "trái đắng" khi mua mỹ phẩm trên mạng.
Trước đó, ThS.BS Nguyễn Thị Phượng, Phó Chủ tịch Hội Da liễu Nam y Việt Nam chia sẻ, bản thân khá ấn tượng với trường hợp 3 phụ nữ trẻ bị viêm da cũng do dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ba bệnh nhân là 3 chị em ruột, cùng sử dụng một loại kem dưỡng da. Sau một thời gian sử dụng, cả 3 đều thấy trên mặt có dấu hiệu, phản ứng bất thường. BS Phượng cho biết, 3 bệnh nhân này đều bị rối loạn sắc tố trên bề mặt da. Bệnh nhân bị dị ứng, ngứa da, có hiện tượng chảy dịch nhiễm trùng trên bề mặt da cùng với khí huyết không ổn định, kinh nguyệt không đều. Do đó, bác sĩ phải kết hợp điều trị toàn thân và điều trị viêm cấp trên bề mặt da.
Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp chị em đến viện sau khi dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Triệu chứng thường gặp là đỏ da, da khô đóng vảy, rối loạn sắc tố trên bề mặt da… Thậm chí nhiều bệnh nhân còn bị nóng rát, ngứa ngáy, viêm nhiễm chảy dịch, mụn nước li ti…
Những loại mỹ phẩm không nhãn mác, xuất xứ.
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tiềm ẩn những mối nguy hiểm gì?
Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM: Nám da là bệnh lý thường gặp ở phụ nữ trên 30 tuổi, ngày càng có xu hướng tăng và trẻ hóa. Nám da khiến chị em tự ti, mặc cảm trong giao tiếp. Khi bắt gặp những quảng cáo “thần thánh hóa” trên mạng về những loại kem trộn, mỹ phẩm trôi nổi có khả năng trị nám, tàn nhang, mụn nhọt, trứng cá lại có thể làm trắng da, giá thành siêu rẻ khiến chị em “mềm lòng” rồi đổ xô đi mua. Điều này vô tình khiến tình trạng nám da càng thêm nghiêm trọng. Thậm chí, nhiều trường hợp sau khi dị ứng còn tự chạy chữa khiến bệnh càng thêm nặng, da dù làm cách nào cũng không thể trở về như cũ.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu - Thẩm mỹ da nhận định: Không những không mang lại hiệu quả, các loại mỹ phẩm trôi nổi còn làm cho da khô, sần sùi, tăng tiết dầu, gây kích ứng, dị ứng và khiến nám da tồi tệ hơn. Do đó, các bác sĩ da liễu khuyến cáo, trước khi sử dụng bất kỳ loại mỹ phẩm nào, cần tìm hiểu thật kỹ xuất xứ và nguồn gốc; nên tránh những mặt hàng trôi nổi, chỉ ưu tiên những sản phẩm của các thương hiệu chất lượng, uy tín. Mỹ phẩm chọn mua phải có đầy đủ nhãn mác, thành phần và hạn sử dụng; tránh xa những sản phẩm “kem trộn”, “gia truyền”.
Không những không mang lại hiệu quả, các loại mỹ phẩm trôi nổi còn làm cho da khô, sần sùi, tăng tiết dầu, gây kích ứng, dị ứng và khiến nám da tồi tệ hơn.
Đặc biệt, trước khi sử dụng mỹ phẩm, nên bôi một lượng nhỏ lên vùng da mặt trong cẳng tay để thử trước các phản ứng kích ứng, dị ứng. Sau đó, chờ đợi khoảng một vài tiếng, nếu không có dấu hiệu lạ gì thì mới tiếp tục sử dụng. Không dùng cùng lúc nhiều loại mỹ phẩm, hạn chế để mỹ phẩm tiếp xúc ảnh nắng. Nếu có vấn đề gì về da nên tìm đến các cơ sở chuyên khoa da liễu uy tín để thăm khám, điều trị; không tự ý điều trị tại nhà. Quan trọng hơn cả, để có làn da khỏe mạnh, chị em nên xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, tránh nắng và bụi bẩn giờ cao điểm, bôi kem chống nắng đúng cách hằng ngày.