Lấn chiếm đất nông nghiệp xây nhà ở, bị phạt đến 1 tỉ đồng

Đất nông nghiệp tự ý chuyển sang đất ở; bỏ hoang đất; bán đất mà chưa có sổ đỏ sẽ bị phạt theo Nghị định 91/2019 với mức phạt rất cao.

Đất nông nghiệp tự ý chuyển sang đất ở; bỏ hoang đất; bán đất mà chưa có sổ đỏ sẽ bị phạt theo Nghị định 91/2019 với mức phạt rất cao. 

Từ ngày 5-1, Nghị định 91/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thay thế nghị định có hiệu lực. Nghị định 91 thay thế Nghị định 102/2014 và có nhiều điểm mới đáng lưu ý:

– Tự ý chuyển đất trồng lúa sang đất ở, phạt nặng. Tại khoản 3, 4 Điều 9 Nghị định 91/2019 quy định chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp (trong đó có đất ở) tại khu vực nông thôn thì sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 250 triệu đồng. Trường hợp chuyển đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị xử phạt bằng hai lần so với mức phạt đất tại khu vực nông thôn tức mức phạt là 500 triệu đồng.

Mức phạt tiền trên được ứng dụng trong trường hợp cá nhân vi phạm. Riêng đối với tổ chức thì mức phạt bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính nhưng không quá 1 tỉ đồng.

Ngoài bị phạt tiền, thì người có hành vi vi phạm buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

 Bỏ hoang đất cũng bị phạt tiền. Theo khoản 1 Điều 32 Nghị định 91/2019, hành vi không sử dụng đất trồng cây hằng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng bị xử phạt từ 500.000 đến 10 triệu đồng.

Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân tối đa là 20 triệu đồng.

– Mua bán đất không có sổ đỏ, phạt đến 40 triệu đồng. Tại  khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định: Người sử dụng đất được chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau: Có giấy chứng nhận; đất không có tranh chấp; quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất.

Theo Điều 18 Nghị định 91/2019, hành vi chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp bằng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện bị phạt tiền từ 3 triệu đến 10 triệu đồng đối với khu vực nông thôn. Riêng đối với khu vực đô thị thì mức phạt từ 5 triệu đến 20 triệu đồng.

Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân nhưng tối đa không quá 40 triệu đồng.

– Không sang tên sổ đỏ, phạt 20 triệu đồng. Theo tại Điều 17 Nghị định 91/2019, trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu; không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại khu vực nông thôn thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 5 triệu đồng. Trường hợp không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu, không thực hiện đăng ký biến động đất đai tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng hai lần mức xử phạt đối với từng trường hợp tương ứng tại khu vực nông thôn.

Mức phạt trên đây áp dụng đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng.

– Lấn, chiếm đất đô thị, phạt đến 1 tỉ đồng. Theo khoản 3 Điều 14 Nghị định 91/2019, trường hợp lấn, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn (trừ trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức) thì bị xử phạt từ 10 triệu đến 500 triệu đồng.

Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị (trừ trường hợp lấn, chiếm đất thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình và đất công trình có hành lang bảo vệ, đất trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của cơ quan, tổ chức) thì mức xử phạt bằng hai lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng, mức phạt tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân và không quá 1 tỉ đồng đối với tổ chức.

Trên đây là những điểm đáng chú ý nhất của Nghị định 91/2019 về xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực đất đai.

Khác với Nghị định 102/2014, Nghị định 91 quy định các mức phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm riêng cho khu vực nông thôn, đô thị và tăng mạnh mức phạt tiền với tất cả hành vi vi phạm.

NGUYỄN HIỀN - Theo PLO
https://plo.vn/ban-doc/lan-chiem-dat-nong-nghiep-xay-nha-o-bi-phat-den-1-ti-dong-882412.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/lan-chiem-dat-nong-nghiep-xay-nha-o-bi-phat-den-1-ti-dong-a20275.html