Phân tích mới công bố của CTCP Chứng khoán SSI cho thấy, năm 2019 là một năm khá suôn sẻ với ngành bia khi sản lượng bia ở Việt Nam đạt 4,6 tỷ lít (+10% YoY). Con số này tăng cao hơn so với mức tăng trưởng 2 năm qua (5%-6%) do xu hướng người trẻ tuổi ở Việt Nam ra ngoài uống bia nhiều hơn để tìm kiếm trải nghiệm mới và và để giao lưu.
Tuy nhiên, từ 1/1/2020, Luật phòng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực được SSI đánh giá sẽ đánh tụt tăng trưởng của ngành này khi tăng trưởng sản lượng bia trong năm 2020 sẽ không đạt được mức 2 con số, dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ ổn định ở mức 6-7% trong năm 2020.
Bộ phận phân tích CTCP Chứng khoán SSI đánh giá, quy địn
h trên sẽ tác động đến sản lượng tiêu thụ của toàn ngành, các thương hiệu nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, trái ngược với các thương hiệu hàng đầu của thị trường như Sabeco và Heineken, những thương hiệu đã quen thuộc với người tiêu dùng.
Cùng với đó là các biện pháp giảm tiêu thụ rượu bia bao gồm cấm quảng cáo trong các sự kiện và trên các phương tiện truyền thông trong khung thời gian cụ thể; cấm bán hàng tại các địa điểm công cộng cụ thể như bệnh viện và trường học; cấm bán cho người dưới 18 tuổi và cấm lái xe sau khi uống rượu bia sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường bia.
Những đánh giá của SSI xem ra khá hợp lý vì thị trường chứng khoán đang phản ứng khá tiêu cực với các công ty bia niêm yết trên sàn. Các công ty bia mất hàng tỉ đồng vốn hóa. Chẳng hạn, tỉ phú Thái đang nắm vai trò chi phối tại Sabeco đã mất hơn 1.000 tỉ đồng ngay khi Nghị định 100 có hiệu lực.
Thị trường thuận lợi, cùng với việc về thay ông chủ người Thái, Sabeco đã có những thay đổi lớn để cải thiện doanh thu và giảm chi phí, qua đó tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh. Từ việc thay đổi thương hiệu,các chương trình quảng cáo và tích cực hỗ trợ cho các đại lý, SAB đã tăng 2% thị phần so với năm 2018.
Tổng doanh thu của SAB đạt 28,2 nghìn tỷ đồng (+10,3% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (+22,9% YoY) trong 9T2019, hoàn thành 72,5% và 90,7% kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận ròng cả năm. Tỷ suất lợi nhuận ròng tăng từ 13% trong 9T2018 lên 14,4% trong 9T2019 nhờ cắt giảm chi phí trong chuỗi cung ứng và vận chuyển.
Theo tính toán của SSI Research, giá cổ phiếu ngành bia giảm 12,6% trong năm 2019, thấp hơn so với tăng trưởng của VN-Index, chủ yếu là do cổ phiếu SAB giảm 14,3%.
Theo nhóm phân tích, Sabeco ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận ròng 23% trong 9 tháng nhờ tái cấu trúc, nhưng giá cổ phiếu SAB vẫn không thể tăng theo tốc độ tăng trưởng lợi nhuận. Điều này có thể do các nhà đầu tư tiếp tục tin rằng định giá của SAB vẫn còn quá cao. Cổ phiếu này đang giao dịch với mức định giá P/E là 30 lần, so với mức trung bình ngành là 26 lần.
Năm 2020, SSI Research ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của Sabeco sẽ đạt lần lượt 44.400 tỷ đồng (tăng 10%) và 6.100 tỷ đồng (tăng 12%). Tuy nhiên, nhóm phân tích chỉ đưa ra khuyến nghị trung lập do "định giá cổ phiếu cao". SAB giao dịch với mức P/E 2020 khoảng 27 lần, cao hơn định giá so với các công ty cùng ngành trong khu vực là 24 lần.
Sau khi bỏ 5 tỷ USD mua Sabeco, đế chế của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi trở thành một trong những doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống lớn nhất Đông Nam Á. Theo dữ liệu của Bloomberg, ông chủ ThaiBev hiện là người giàu nhất Thái Lan với khối tài sản 16,4 tỷ USD, giảm đáng kể so với con số cuối năm ngoái (19,6 tỷ). Trước đó Finance Times đã rộ lên tin ThaiBev có ý định bán Sabeco thông qua kế hoạch IPO tuy nhiên tỷ phú Charoen đã phủ nhận thông tin này và cho biết "vẫn tự tin vào hoạt động kinh doanh tại Việt Nam giữ vững cam kết đưa Sabeco và thương hiệu Bia Sài Gòn thành niềm tự hào của Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường cốt lõi và một phần không thể thiếu trong mục tiêu trở thành doanh nghiệp dẫn đầu ngành đồ uống ở Đông Nam Á của ThaiBev".
Đấy là trước khi Luật phóng chống tác hại của rượu bia có hiệu lực, không biết thời điểm này, tỷ phú Thái Lan có tự tin như vậy hay không.
Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, là cơ sở pháp lý để cảnh sát giao thông xử lý mạnh tay hơn với tài xế vi phạm nồng độ cồn.
Theo Nghị định 100/2019, lần đầu tiên người đi xe đạp vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt hành chính, mức cao nhất 600.000 đồng. Với lỗi này, tài xế ôtô có thể bị phạt tới 40 triệu đồng; người lái xe máy bị phạt tới 8 triệu đồng. Mức phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe ôtô, xe máy tới 24 tháng. |