Sở Xây dựng Hà Giang vừa có văn bản gửi UBND tỉnh này báo cáo kết quả cuộc họp liên ngành và đề xuất hướng xử lý công trình nhà hàng Panorama trên đèo Mã Pì Lèng.
Sở Xây dựng Hà Giang đề xuất UBND tỉnh giao cho UBND huyện Mèo Vạc cải tạo, chỉnh trang tầng âm và tầng nổi sát mặt đất để phục vụ việc dừng chân, ngắm cảnh của khách du lịch. 6 tầng giật cấp bị đề nghị phá dỡ để cải tạo thành đất trồng cây xanh; thời hạn phá dỡ hoàn thành trước 15-11.
Sở Xây dựng Hà Giang cũng đề xuất UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục pháp lý phần công trình còn lại trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày UBND tỉnh có ý kiến chính thức.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, KTS Trần Thanh Tùng – Phó Trưởng Khoa Kiến trúc dân dụng, Trường ĐH Xây dựng cho rằng, không cần thiết phá bỏ mà cải tạo lại và cần có bàn tay chuyên nghiệp tham gia vào biết đâu sẽ trở thành công trình điểm nhấn.
Theo ông Tùng, khi nghe đến công trình cao 7 tầng xây chễm chệ trên địa điểm đẹp nhất đèo Mã Pì Lèng sẽ gây ấn tượng xấu cho người tiếp nhận thông tin. Nhưng thực tế, công trình xây theo kiểu giật cấp, đúng theo kiến trúc.
Nếu xét về luật rõ ràng công trình sai phép khi xây trên đất nông nghiệp. Hành vi này hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính và buộc tháo dỡ công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Nhưng xét ở góc độ kiến trúc, rõ ràng công trình đã có những bước xử lý khéo léo theo kiểu giật cấp mô phỏng địa hình. Chính sự mô phỏng đó khiến công trình không tệ như thông tin trên truyền thông.
Tiếp nữa, đang có sự tương phản gây mâu thuẫn giữa các góc chụp. Với góc chụp thẳng hông công trình nhìn vào không có cảm giác thân thiện, nhưng khi chụp ở những góc khác sẽ mang đến một sự mới mẻ, hấp dẫn cho du lịch Hà Giang.
Ông Tùng cũng chia sẻ, ông cùng một nhóm kiến trúc sư người Pháp từng đưa sinh viên thực tập lên miền núi để tìm hiểu kiến trúc các công trình. Chính người Pháp đã dạy sinh viên Việt Nam thiết kế từng thảm xanh cho các công trình giật cấp để trả lại màu xanh cho núi rừng, tôn trọng cảnh quan tự nhiên.
Trường hợp công trình Mã Pì Lèng Panorama cũng không phải ngoại lệ, nên cải tạo lại dự án như dùng vật liệu trong suốt, xanh hoá kiểu nguỵ trang. Mặt hông công trình nên trồng cây xanh, tường xanh, hoặc vật liệu thân thiện hơn một bức tường bê tông.
“Còn nếu tỉnh quyết phá bỏ một phần công trình thì cũng là quyết tâm để không có những trường hợp tương tự tiếp diễn” - KTS Trần Thanh Tùng chia sẻ.
Ở khía cạnh khác, Tiến sĩ khoa học, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners cho rằng, qua chuyện này còn lộ ra một thiếu sót của Luật Di sản khi chỉ quy định vùng 1, vùng 2 để bảo vệ di sản mà không quy định về vùng đệm giữa khu vực được bảo vệ với khu vực phát triển đô thị.
Nên quy định thêm một vùng đệm, đó là những khu vực lân cận mà khi một người đứng ở khu vực đó có thể nhìn thấy di sản và đứng ở khu lõi di sản cũng nhìn thấy khu vực này.
“Nếu điều chỉnh được Luật Di sản, chúng ta không chỉ cứu một mình Mã Pì Lèng mà còn cứu hàng nghìn di sản khác trên toàn quốc. ” – KTS Ngô Viết Nam Sơn khẳng định.
Công trình Mã Pì Lèng Panorama được xây làm nhà nghỉ, nhà hàng, cafe... đưa vào sử dụng đầu 2019. Nhà cao 6 tầng, nằm thoải theo sườn đèo, có 5 ban công lớn để du khách ngắm cảnh. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, công trình chưa có giấy chứng nhận đầu tư, dự án chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư chưa được cấp giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng. Công trình cũng chưa có giấy phép xây dựng. Ngày 4/10, tỉnh Hà Giang chỉ đạo Sở Xây dựng lập đoàn kiểm tra liên ngành đánh giá mức độ ảnh hưởng của công trình này đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường. |