Theo hồ sơ dự án vận tải hàng không Vinpearl Air vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư dự án là Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air có trụ sở chính tại khu Almaz Market, khu Vinhomes Riverside, Long Biên, Hà Nội. Người đại diện là bà Nguyễn Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air.
Tổng vốn đầu tư dự án 4.700 tỉ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu là 1.300 tỉ đồng, chiếm 27,66% tổng vốn đầu tư. Vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác là 3.400 tỉ đồng, chiếm 72,34%. Thời gian hoạt động dự án: 50 năm.
Đánh giá năng lực tài chính của nhà đầu tư, theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air có vốn điều lệ là 1.300 tỉ đồng. Công ty mới được thành lập tháng 4-2019 nên chưa có báo cáo tài chính 2 năm gần nhất theo quy định.
Hồ sơ dự án đã bổ sung chứng từ nộp tiền của các cổ đông tại các Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), bao gồm: Công ty CP Phát triển du lịch VinAsia 585 tỉ đồng, ông Phạm Khắc Phương 325 tỉ đồng, ông Hoàng Quốc Thủy 390 tỉ đồng. Các cổ đông trên đã chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp trong công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air cho công ty cổ phần Vinpearl. Cụ thể, Công ty cổ phần phát triển du lịch Vinasia đã chuyển nhượng 58,5 triệu cổ phần (tương đương 585 tỉ đồng), ông Phạm Khắc Phương chuyển nhượng 13 triệu cổ phần (tương đương 130 tỉ đồng) và ông Hoàng Quốc Thủy chuyển nhượng 32,5 triệu cổ phần (tương đương 325 tỉ đồng).
Được biết, ông Phạm Khắc Phương là người từng giữ nhiều chức vụ chủ chốt tại Tập đoàn Vingroup và Vinpearl. Ông Hoàng Quốc Thủy là một trong những người sáng lập Technocom cùng Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng.
Sổ đăng ký cổ đông của công ty cổ phần hàng không Vinpearl Air đã ghi nhận công ty có 3 cổ đông góp vốn là: Công ty cổ phần Vinpearl góp 1.040 tỉ đồng (chiếm 80% vốn điều lệ); ông Phạm Khắc Phương góp 195 tỉ đồng (15%); ông Hoàng Quốc Thủy góp 65 tỉ đồng (5%). Tổng giá trị số cổ phần đã góp tương ứng 1.300 tỉ đồng.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ là đơn vị tài trợ/ đầu mối thu xếp nguồn vốn cho dự án hàng không này, với số tiền cam kết cấp tín dụng tối đa là 75% tổng mức đầu tư dự án.
Như vậy, Hồ sơ dự án đã có cam kết của ngân hàng về việc thu xếp nguồn vốn vay. Bộ KH-ĐT yêu cầu Nhà đầu tư chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện vay vốn để huy động đủ nguồn vốn vay thực hiện dự án.
Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air dự kiến sẽ thuê máy bay, chính thức cất cánh tháng 7-2020 với 6 máy bay. Về hiệu quả, theo phân tích tài chính của dự án, giá trị hiện tại thuần (NPV) cuối năm thứ 5 là 120,4 triệu USD; tỉ lệ hoàn vốn nội bộ (IRR) trong thời gian 5 năm (22,74%/năm); thời gian hoàn vốn: 5-6 năm, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023.
Sau khi đi vào hoạt động, Dự án vận tải hàng không Vinpearl Air dự kiến sẽ mang lại cơ hội việc làm trực tiếp cho khoảng 500-600 lao động từ thời điểm giữa năm 2020 và tăng lên khoảng 2.200-2.300 lao động vào năm 2023-2024, chưa kể các việc làm gián tiếp thông qua các hoạt động kinh tế, du lịch, đào tạo.
Có thể đóng góp thuế thu nhập doanh nghiệp (theo thuế suất 20%) khoảng 1.000 tỉ đồng/năm vào cuối kỳ tính toán của kế hoạch 5 năm (2024). Ngoài ra, còn góp phần thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế, tạo thị trường mới và nâng cao trình độ kỹ thuật, trình độ quản lý lĩnh vực hàng không.
Hồ sơ dự án cũng đánh giá sơ bộ các yếu tố rủi ro tác động đến dự án như biến động của chính sách vĩ mô, lãi suất cho vay, biến động tỉ giá, biến động chi phí nhiên liệu, đồng thời có đánh giá về khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm dịch vụ cung ứng.
Tuy nhiên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng các nội dung đánh giá về hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án như nêu trên mới ở mức sơ bộ, các dữ liệu đầu vào mới là giả định. Việc sân bay Nội Bài sẽ hết vị trí đỗ trong thời gian tới và sân bay Tân Sơn Nhất không còn vị trí đỗ máy bay, slot (giờ cất/hạ cánh) khai thác trong giai đoạn đến năm 2022 sẽ có ảnh hưởng nhất định tới hoạt động kinh doanh của dự án. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của dự án còn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố rủi ro khác.
Do đó, Bộ KH-ĐT đề nghị Công ty cổ phần Hàng không Vinpearl Air cần tính toán kỹ về hiệu quả đầu tư dự án trên cơ sở phân tích, dự báo đầy đủ các yếu tố có khả năng tác động tới hoạt động của dự án; chịu trách nhiệm về các số liệu và tính chính xác của tính toán về sơ bộ hiệu quả đầu tư dự án.
Nhà đầu tư đề xuất nội dung về ưu đãi đầu tư gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu. Bộ KH-ĐT cho rằng việc này đề nghị thực hiện theo đúng quy định của pháp luật
Bộ KH-ĐT khuyến cáo Vinpearl Air cần rút kinh nghiệm từ bài học thực tiễn của một số hãng hàng không đang khai thác để xây dựng phương án kinh doanh hợp lý, nâng cao khả năng cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vinpearl-air-cua-ti-phu-pham-nhat-vuong-tinh-toan-lo-lai-nhu-the-nao-a19305.html