Điển hình là vừa qua trên mạng xã hội lan truyền các clip ghi lại cảnh mặc nội y, thay đồ của một cô gái được cho là ca sĩ Văn Mai Hương, điều đáng nói các clip này được trích xuất từ camera an ninh của nhà riêng ca sĩ và thời gian trong clip ghi nhận là được quay từ năm 2015.
Nhiều khả năng cho rằng những đoạn camera này đã bị kẻ xấu xâm nhập vào hệ thống bảo mật và trích xuất mà nữ ca sĩ không hay biết.
Văn Mai Hương từng phản đối thịt chó đóng hộp
Sự việc xảy ra đã gây ra sự tổn thất nghiêm trọng đối với cuộc sống của ca sĩ Văn Mai Hương, cộng đồng mạng cũng đã lên tiếng bảo vệ Văn Mai Hương cũng như kêu gọi tẩy chay việc chia sẻ clip, yêu cầu gỡ bỏ chip, động viên tinh thần nhằm xoa dịu một phần nỗi đau mà cô đang phải gánh chịu. Vậy người bị phát tán hình ảnh riêng tư nhạy cảm cần làm gì?
Trong trường hợp này, ca sĩ Văn Mai Hương cần khẩn trương có đơn tố cáo sự việc đến cơ quan công an để tiến hành điều tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi phát tán clip, hình ảnh.
Điều đáng quan tâm hiện nay là pháp luật sẽ xử lý như thế nào đối với hành vi của các cá nhân, tổ chức phát tán hình ảnh "nhạy cảm" của ca sĩ Văn Mai Hương?
Hiện nay pháp luật Việt Nam đã có nhiều quy định nhằm bảo vệ người dân đối với các hành vi xâm phạm đời sống riêng tư cá nhân như:
Trước hết, Bộ Luật Dân sự ghi nhận quyền của cá nhân đối với hình ảnh tại Điều 32 và Quy định quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm và uy tín bị xâm hại tại Điều 592 Bộ Luật Dân sự để bảo vệ người bị xâm phạm.
Điều 32 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định rõ: cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý, trong trường hợp cá nhân, cơ quan tổ chức sử dụng hình ảnh của người khác phải được người đó đồng ý (trừ một số trường hợp vì lợi ích quốc gia, cộng cộng).
Các trường hợp vi phạm thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, Khoản 2 điều 592 Bộ Luật Dân sự quy định mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Thêm vào đó, điểm e và điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện cũng có quy định về phạt tiền. Cụ thể, mức phạt sẽ từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vị cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Đặc biệt pháp luật về hình sự cũng có nhiều quy định đối với những người có hành vi xâm phạm đời sống riêng tư cá nhân như: Áp dụng Khoản 1, Điều 155 Bộ Luật hình sự về tội "Làm nhục người khác" với hình phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng. Hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm; áp dụng Điều 289 về xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác với mức hình phạt cao nhất lên tới 12 năm tù và áp dụng Điều 288 đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.
Để răn đe và xử lý nghiêm những hành vi tấn công, chia sẻ những clip đời tư cá nhân thì bản thân bị hại cần mạnh mẽ tố cáo hành vi trái thuần phong mỹ tục, trái đạo đức và vi phạm pháp luật của kẻ xấu. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần vào cuộc rốt ráo bảo vệ bị hại và đưa kẻ xấu ra pháp luật.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/vu-hacker-tung-clip-doi-tu-van-mai-huong-bi-phat-tan-clip-thi-phai-lam-gi-a18129.html