Du lịch đạt kỳ tích “trải thảm” cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển

Du lịch Việt Nam 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Đây chính là động lực để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ.

Du lịch đạt kỳ tích “trải thảm” cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển

Du lịch Việt Nam 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút trên 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước đến nay. Đây chính là động lực để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam - điểm đến hàng đầu châu Á

Thông tin mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, du lịch Việt Nam năm 2019 đã đạt được kỳ tích, thu hút 18 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước tới nay.

Cụ thể, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 18.008,6 nghìn lượt người, tăng 16,2% so với năm trước. Trong đó, khách đến bằng đường hàng không chiếm 79,8% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, tăng 15,2%; bằng đường bộ chiếm 18,7% và tăng 20,4%; bằng đường biển chiếm 1,5% và tăng 22,7%.

Khách quốc tế đến nước ta từ châu Á chiếm tỷ lệ cao nhất, 79,9% tổng số khách quốc tế, tăng 19,1% so với năm trước; khách đến từ châu Âu tăng 6,4%; khách đến từ châu Mỹ tăng 7,7%; khách đến từ châu Úc giảm 1,2%; khách đến từ châu Phi tăng 12,2%.

Để có được những con số kỷ lục trên, du lịch Việt Nam đã không ngừng nỗ lực khẳng định được thế mạnh du lịch của một đất nước giàu bản sắc văn hóa, giàu tài nguyên, thân thiện, mến khách... đến với bạn bè thế giới. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp Việt Nam giữ vững danh hiệu "Điểm đến hàng đầu châu Á" do Giải thưởng Du lịch Thế giới (WTA) 2019 bình chọn. 

Tài nguyên du lịch của Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp vào danh sách các nước dẫn đầu thế giới

Không chỉ vậy, vừa qua, du lịch Việt Nam cũng đã giành được nhiều giải thưởng uy tín như: Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á và Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á - Hội An.

Tăng trưởng du lịch thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng phát triển

Trước sự phát triển của du lịch, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cũng có tác động không nhỏ, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định: “Du lịch phát triển thì sẽ trải thảm cho bất động sản nghỉ dưỡng phát triển theo. Đó là quy luật không thể phủ nhận".

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng: Sự tăng trưởng ấn tượng của ngành công nghiệp không khói đã thúc đẩy nguồn cung bất động sản du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng. Lượng khách du lịch gia tăng mạnh mẽ với những con số ấn tượng chính là đòn bẩy kích thích sự phát triển bền vững cho phân khúc bất động sản du lịch trong dài hạn.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Bên cạnh đó, các chuyên gia đều đưa ra quan điểm, du lịch tăng trưởng không có lý gì bất động sản nghỉ dưỡng không phát triển theo sau. Ngành du lịch đang cần rất nhiều căn hộ du lịch nghỉ dưỡng. Chừng nào du lịch còn phát triển, thì bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng vẫn là miền đất hứa cho giới đầu tư.

Thực tế, chỉ trong thời gian ngắn, số lượng cơ sở lưu trú chủ yếu là khách sạn, resort, biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn, nhà phố thương mại du lịch tăng lên nhanh chóng. Năm 2011, cả nước có 13.756 cơ sở lưu trú du lịch với trên 256.000 buồng thì tới năm 2018 đã đạt 28.000 cơ sở với 550.000 buồng lưu trú, tốc độ tăng trưởng về quy mô buồng bình quân 12%/năm. Điều này đã tạo ra làn sóng đầu tư ồ ạt vào các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, resort, biệt thự, căn hộ du lịch… tại các trung tâm du lịch lớn.

Như vậy có thể thấy, lượng khách du lịch đến với Việt Nam ngày càng nhiều, kéo theo đó là nhu cầu cơ sở lưu trú cũng tăng theo. Tuy nhiên ngành du lịch nói chung, bất động sản du lịch nói riêng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo nhận định của ông Kenneth Atkinson, Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), mặc dù Việt Nam là điểm đến du lịch đứng đầu Đông Nam Á, nhưng số lượng khách quốc tế trở lại tương đối thấp.

 

Theo các chuyên gia, một trong những lý do khiến khách du lịch quốc tế không có ý định quay trở lại Việt Nam đó chính là chất lượng của cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích kèm theo tại các cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của họ.

Để khắc phục tình trạng trên, không chỉ thu hút khách hàng mới, đồng thời giữ chân du khách quay trở lại, thời gian qua thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã chứng kiến không ít chủ đầu tư đã mạnh dạn đầu tư tổ hợp nghỉ dưỡng với quy hoạch bài bản, phục vụ mọi nhóm đối tượng khách hàng ở mọi lứa tuổi khác nhau.

Nhận định về sự chuyển biến trên, ông Nguyễn Văn Đính cho hay: “Ghi nhận thời gian gần đây, thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã xuất hiện xu hướng các doanh nghiệp tập trung phát triển các dự án bất động sản du lịch theo mô hình phức hợp, gắn đầy đủ các dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú, mua sắm, thể thao, giải trí trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu một điểm đến cho tất cả (All - in - one) của du khách”.

Bất động sản nghỉ dưỡng đang bắt kịp xu hướng du lịch trải nghiệm

Không chỉ đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng của các khách hàng mà mô hình bất động sản này còn trú trọng đến xu hướng du lịch trải nghiệm tại điểm đến của phần lớn khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Bên cạnh đó, theo GS. Đặng Hùng Võ, ngoài vấn đề quy hoạch dự án tốt, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng cũng phải chủ động xây dựng những cơ sở lưu trú mang tính văn hóa, thay vì những kiến trúc vô hồn:

“Kiến trúc nói lên câu chuyện như Sơn Tinh, Thủy Tinh hay những câu chuyện mang tính thần thoại của Việt Nam, có thể hấp dẫn người nước ngoài như Tấm Cám, Thạch Sanh. Nếu kiến trúc mô tả được thì sẽ rất hấp dẫn và du khách sẽ tò mò, đồn đoán với nhau về sự hấp dẫn của nơi lưu trú đó.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường

Trong các bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, khâu kiến trúc nhất là kiến trúc gắn với thiên nhiên là một điều rất quyến rũ đối với khách du lịch nước ngoài, nhiều khi đến Việt Nam họ mới được trải nghiệm là ở trong một cơ sở lưu trú gắn với sông nước, gắn với suối, gắn với hoạt động độc đáo của người bản địa.

Như vậy, nhìn lại chặng đường phát triển của du lịch Việt Nam năm qua, theo các chuyên gia, bên cạnh những lợi thế có sẵn thì việc phát triển và không ngừng hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ du lịch là hết sức cần thiết. Có như vậy, mục tiêu đề ra cho năm 2020 là ngành du lịch Việt Nam phấn đấu đón khoảng 20,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách du lịch nội địa sẽ sớm đạt được kết quả đáng mong đợi./.

http://reatimes.vn/du-lich-dat-ky-tich-trai-tham-cho-bat-dong-san-nghi-duong-phat-trien-20191227231959439.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/du-lich-dat-ky-tich-trai-tham-cho-bat-dong-san-nghi-duong-phat-trien-a17987.html