Tăng trưởng kinh tế 2020: Động lực từ kinh tế tư nhân

Giảm tốc, tăng trưởng chậm lại và rủi ro bất định là những cụm từ được nhắc nhiều khi nói về kinh tế thế giới năm nay và cả năm 2020.

Giảm tốc, tăng trưởng chậm lại và rủi ro bất định là những cụm từ được nhắc nhiều khi nói về kinh tế thế giới năm nay và cả năm 2020.

Trong bối cảnh đó, các tổ chức tài chính cho rằng, nền kinh tế Việt Nam muốn phát triển cần dựa vào tiến độ cải cách thể chế và những hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Báo cáo tình hình triển khai các Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp

Cùng với cuộc gặp Thủ tướng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Chính phủ đang triển khai lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết số 02/NQ – CP (2020) về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh. Động thái này cho thấy một thông điệp rất rõ ràng của Chính phủ trong việc quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp vững bước vào năm 2020.

Gian nan mục tiêu GDP tăng 6,8%

Mặc dù Quốc hội, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 2020 là 6,8%, trong khi kinh tế vĩ mô 2019 khép lại với những triển vọng khá tích cực sẽ tạo đà tăng trưởng 2020 và tạo niềm tin cho giới đầu tư. Nhưng những bất định của kinh tế thế giới và cả những khó khăn thực tế thị trường chính là những yếu tố cần thận trọng cho kinh tế 2020

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói rằng, xét trong bối cảnh chung của kinh tế thế giới và Việt Nam thì mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc.

Những lo lắng của ông Lộc không phải không có lý khi mà nhiều lĩnh vực xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam như dệt may, da giày, thuỷ sản… dù kết quả kim ngạch xuất khẩu khá khả quan nhưng nhìn về tương lai 2020 lại đang có những khó khăn thị trường khiến cho các doanh nghiệp lo lắng.

Đơn cử như ngành dệt may, năm 2019 có thể xem là một năm trầy trật của ngành này khi gặp khó khăn thị trường và kết quả cũng không như kỳ vọng khi chỉ đạt 39/40 tỷ USD.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Phó Chủ tịch VITAS cũng thừa nhận: "Tuy vẫn dẫn đầu các quốc gia cạnh tranh về tăng trưởng nhưng rõ ràng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã bị chậm lại, không duy trì được tăng trưởng hơn hai con số như những năm trước. Điều đáng nói là số lượng mỗi đơn hàng nhỏ đi, khách hàng không đặt hàng dài hạn 3 - 6 tháng như trước và tình hình trở nên khó đoán hoan trước tính chất mùa vụ. Mặt bằng giá bán năm 2019 thấp hơn so với năm ngoái, do đó kéo theo biên lợi nhuận giảm”.

Cần hỗ trợ kinh tế tư nhân tăng tốc

Dù có những cảnh báo thận trọng với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2020, nhưng nhiều tổ chức tài chính vẫn có niềm tin vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020.

Đặc biệt, khu vực kinh tế tư nhân đã và đang trở thành trung tâm của cải cách. Ngoài việc, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP; Nghị quyết số 35/2016 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Nghị quyết 53/NQ-CP ngày 17/7/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững... cùng nhiều chương trình, kế hoạch hỗ trợ phát triển doanh nghiệp về khoa học công nghệ, thị trường, nguồn nhân lực...

Với tinh thần luôn đồng hành cùng doanh nghiệp của Đảng và Nhà nước cũng như sự nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của chính cộng đồng doanh nghiệp, sau hơn 30 năm đổi mới, khu vực doanh nghiệp tư nhân ngày càng phát huy và khẳng định vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội quốc gia.

Chuyển dịch cơ cấu quy mô doanh nghiệp theo hướng tích cực, tỷ trọng các doanh nghiệp quy mô vừa có xu hướng tăng trong khi tỉ trọng nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ giảm, tạo tiền đề hình thành lực lượng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò dẫn dắt.

Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng để kinh tế phát triển ổn định và bền vững, bên cạnh những mục tiêu và giải pháp cụ thể cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh như Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đề cập, cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Trong những năm gần đây, bên cạnh các tập đoàn Nhà nước, doanh nghiệp FDI lớn, đã xuất hiện những tập đoàn kinh tế lớn trong khu vực tư nhân với quy mô ngày càng tăng, tiềm lực lớn, tham gia đầu tư vào những ngành, lĩnh vực có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước như phát triển hạ tầng, công nghệ thông tin, lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực chế tạo kỹ thuật cao...

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam 2019 do WB công bố mới đây cũng đã khẳng định, trong bối cảnh không ít rủi ro trong nước lẫn bên ngoài, việc phát triển khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cần được ưu tiên để giảm thiểu rủi ro, bao gồm thông qua cải thiện môi trường kinh doanh và các phương án huy động tài chính dài hạn.

"Triển vọng kinh tế Việt Nam sắp tới và trong trung hạn là tích cực với mức tăng GDP dự báo quanh 6,5% trong những năm tới", WB nhận định.

http://reatimes.vn/tang-truong-kinh-te-2020-dong-luc-tu-kinh-te-tu-nhan-20191227150152424.html

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/tang-truong-kinh-te-2020-dong-luc-tu-kinh-te-tu-nhan-a17917.html