Tại Hội thảo chuyên đề "Kiến tạo thị trường bất động sản nông nghiệp: Thực trạng và kiến nghị chính sách" diễn ra tại Hà Nội vừa qua, ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay, Đảng và Nhà nước đang có quyết tâm đưa Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới trong 10 năm tới, thông qua các hoạt động như nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; gia tăng giá trị thương mại và tỷ trọng đóng góp của nông nghiệp vào nền kinh tế; hướng tới một nền nông nghiệp sạch - nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; hình thành chuỗi liên kết phát triển nông nghiệp gắn với sản xuất lớn, với công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa và xây dựng nông thôn mới.
“Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng quy mô lớn và hiện đại đang thúc đẩy việc tích tụ, tập trung ruộng đất. Nhờ đó, các hình thức mang tính thương mại như chuyển nhượng, cho thuê quyền sử dụng đất được xem là những giao dịch mở đầu cho việc phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta” - ông Chiến cho hay.
Đánh giá về tiềm năng của thị trường bất động sản nông nghiệp, PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương dẫn chứng: Năm 2016, cả nước có 33.500 trang trại, tăng 67,2% so với năm 2011, bình quân tăng 10%/năm; số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp là 3.846 doanh nghiệp, tăng 49% so với năm 2011, trong đó doanh nghiệp có số vốn từ 10 tỷ đồng trở lên tăng đến 76,2% .
Trên cơ sở số liệu đưa ra, ông Chung khẳng định, tiềm năng của thị trường bất động sản nông nghiệp Việt Nam vẫn còn bỏ ngỏ.
Đồng quan điểm đó, TS. Nguyễn Minh Phong cũng nhấn mạnh: “Thị trường bất động sản nông nghiệp tăng trưởng mạnh và đa dạng hơn cùng chiều với quá trình các doanh nghiệp lớn tham gia vào việc tích tụ ruộng đất quy mô lớn để đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao”.
Dẫn ví dụ về sự phát triển của thị trường bất động sản nông nghiệp, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay, hiện tại có 1% doanh nghiệp nông nghiệp, nhưng có tới 8% doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tức là 7% trong số đó là doanh nghiệp ở các lĩnh vực khác, nhưng đang đầu tư vào nông nghiệp, tiêu biểu như: Vingroup, FLC, T&T…
“Sự tham gia của các doanh nghiệp lớn vào nông nghiệp đang và sẽ tiếp tục là động lực tạo lập và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ nhất, trực tiếp làm tăng nhu cầu và khả năng thanh khoản, vốn đầu tư trên thị trường này” - TS. Nguyễn Minh Phong nói.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Dự báo về bất động sản nông nghiệp trong tương lai, PGS. TS. Trần Đình Thiên nhận định: "Xu hướng chung - dài hạn là tiếp tục tăng tích cực do các yếu tố kích phát như du lịch, công nghệ, thị trường thế giới, hỗ trợ của Chính phủ, áp lực giải tỏa nền nông nghiệp “truyền thống” tạo cơ hội. Du lịch được chú trọng thì nông nghiệp công nghệ cao cũng được chú trọng. Xu hướng thị trường thế giới cũng buộc chúng ta xác định nông nghiệp phải là lợi thế, thế mạnh của Việt Nam.
Nền nông nghiệp Việt Nam mà khẳng định hướng phát triển của mình, thì bất động sản nông nghiệp cũng theo đó mà phát triển. Do đó, xu hướng ngắn hạn cũng là phát triển tích cực do đang có đà và còn nhiều dư địa, tạo sức hấp dẫn đầu tư".
Liên quan đến sức hấp dẫn của thị trường bất động sản nông nghiệp, theo TS. Nguyễn Minh Phong, có 6 yếu tố khiến thị trường bất động sản nông nghiệp đã và đang iếp tục bùng nổ.
Đầu tiên, sự hấp dẫn của thị trường bất động sản nói chung, đặc biệt là giai đoạn bắt đầu chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường, giá đất tăng...
Thứ hai, thị trường bất động sản nông nghiệp còn mới, nhiều tiềm năng, cơ hội đầu tư triển vọng.
Thứ ba, hiện đã xuất hiện nhiều tập đoàn kinh doanh nông nghiệp, tạo ra cơ cấu ngành. Sự tham gia của các tập đoàn lớn tạo ra sức hút với ngành nông nghiệp.
Thứ tư, chính sách của Nhà nước theo 3 hướng: Góp đất là công ty cổ phần, khuyến khích nông dân tích tụ theo cơ cấu thị trường, tái cơ cấu nông nghiệp.
Thứ năm, người nông dân đang thiếu vốn, không có gì hấp dẫn hơn bằng phát triển bất động sản nông nghiệp để huy động vốn.
Thứ sáu, nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng hiện đại, theo hướng 4.0, áp dụng khoa học kỹ thuật.
Trong khi đó, PGS.TS. Doãn Hồng Nhung cũng khẳng định, bất động sản nông nghiệp luôn là lĩnh vực hấp dẫn. "Thời gian vừa qua, nhiều tập đoàn lớn đã bước chân vào bất động sản nông nghiệp, điều này cho thấy lĩnh vực này có tiềm năng rất lớn. Chủ trương, định hướng của Nhà nước cũng có chính sách ưu tiên phát triển nông nghiệp". Bà Nhung nhận định, trong tương lai, với cơ chế chính sách tốt, thị trường bất động sản nông nghiệp sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ.