Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện 3 dự án nhà ở xã hội chuyển thành nhà ở thương mại trái quy định.
Muôn kiểu lách luật
Cụ thể, các dự án bị “bêu tên” bao gồm dự án nhà ở xã hội có vị trí tại ô đất quy hoạch C.6/NO12 (Giang Biên, Long Biên), dự án khu đô thị nhà ở xã hội Đại Áng (Thanh Trì) và dự án nhà ở xã hội tại khu chức năng đô thị Đại Mỗ giai đoạn 1 (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm).
“Đối với 3 dự án nhà ở xã hội đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại không có quy định trong Luật Nhà ở 2014, Nghị định 99/2017/NĐ-CP 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (chỉ có quy định về việc điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc sang làm nhà ở phục vụ tái định cư)”, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ.
Tại một dự án nhà ở xã hội ở Mê Linh, sau khi được hưởng các ưu đãi, phần nhà ở xã hội vẫn chưa được khởi công, trong khi chủ đầu tư lại phân lô, bán nền biệt thự, nhà liền kề để bán kiếm lời. Thậm chí, trong bản phê duyệt quy hoạch đồ án, phần nhà ở xã hội còn bị ăn bớt, từ mức quy định là 20% diện tích dự án xuống chỉ còn khoảng 10%.
Theo quy định trong Luật Nhà ở 2015, nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội gồm rất nhiều thành phần như: Người có công với cách mạng; Hộ gia đình nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn; Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; Cán bộ, công chức, viên chức… Những đối tượng này phải xin xác nhận của địa bàn phường về việc không có nhà ở.
Chính những kẽ hở trong quy định về điều kiện và đối tượng mua nhà mà chuyện xác nhận đối tượng mua diễn ra khá dễ dãi. Sự xác nhận dễ dàng này đã khiến nhiều người sở hữu 1, 2 hay nhiều hơn căn nhà ở xã hội. Từ đó dẫn đến tình trạng mua đi bán lại tràn lan và gây biến tướng bản chất nhà ở xã hội.
Đơn cử, tại dự án nhà ở xã hội Ecohome 1 và Ecohome 2 qua kiểm tra bước đầu, chủ đầu tư phát hiện 4 trường hợp vi phạm các quy định về mua nhà ở xã hội. Cụ thể: Trần Thị L (mã hồ sơ D1-M1751); Ngô Thị Ngọc Ch (D1-M0243); Đinh Thị Thu Th (D1-M0290); Vũ Trung H (D1-M1158).
Đối với các trường hợp nêu trên, chủ đầu tư đình chỉ quyền mua căn hộ, đồng thời báo cáo Sở Xây dựng Hà Nội xử lý theo quy định. Hiện, chủ đầu tư tiếp tục rà soát và báo cáo xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định về nhà ở xã hội.
Biết sai vẫn liều
Tại dự án nhà ở xã hội Hope Residences Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội) dự kiến bàn giao vào cuối năm 2019, nhưng đến thời điểm này các sàn bất động sản vẫn đua nhau rao bán với giá chênh từ 100 - 200 triệu đồng/căn hộ. Theo giới thiệu nhân viên môi giới một sàn bất động sản, việc mua bán này là thỏa thuận giữa người có nhu cầu với chủ nhà diện được mua nhà ở xã hội đã ký được hợp đồng.
Thỏa thuận 2 bên cũng chỉ bằng giấy viết tay và sau 5 năm mới đủ điều kiện sang tên chính thức theo quy định của nhà nước. Ngoài số tiền khách mua phải trả giá gốc cho chủ nhà, người có nhu cầu mua phải chịu thêm khoản chênh tùy vào từng căn hộ và số tầng.
Còn tại Đà Nẵng, mới đây, ông Trần Huy Đức - Chánh Thanh tra TP đã ký thông báo kết luận thanh tra nhà ở xã hội An Trung 2 (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) do Liên doanh Công ty cổ phần Đức Mạnh và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 579 làm chủ đầu tư cho thấy, trong 324 trường hợp được mua nhà ở xã hội tại đây, có 80 trường hợp sai phạm. Trong đó có 12 trường hợp đã có nhà ở thuộc sở hữu, ba trường hợp vừa có nhà ở vừa chịu thuế thu nhập cá nhân…
Theo tìm hiểu của phóng viên, tại nhiều dự án, nhiều chủ nhà còn “ngấm ngầm” hợp tác, bán lại cho nhau với mục đích thông tầng, tạo nên những căn hộ lớn, không thua gì các căn cao cấp khác. Số căn thông với nhau không chỉ 2 mà có cả trường hợp 3, 4 căn “hợp nhất”. Chưa kể, nhiều chung cư xã hội còn ngang nhiên kinh doanh dịch vụ homestay với giá 500 nghìn đồng/ngày cho 4 người, cứ thêm 1 người thì tăng 100 nghìn đồng/ngày đêm…
Một khách hàng giấu tên thừa nhận: Lợi nhuận từ việc mua bán, đầu tư nhà ở xã hội quá lớn nên nhiều người dù biết vi phạm quy định Nhà nước nhưng vẫn cố tình làm.
KỲ II: Kẽ hở từ đâu?