Hai nhà máy lọc hóa dầu trong nước là Bình Sơn ở Quảng Ngãi và Nghi Sơn ở Thanh Hóa hiện nay đã cung ứng ra thị trường tới 70-75% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước. Đó là một trong những lý do quan trọng để Bộ Công Thương tính toán xây dựng lại cách quản lý thị trường xăng dầu, trong đó sẽ thay đổi cách tính giá xăng dầu.
Một góc nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn, 1 trong 2 nhà máy lọc dầu của Việt Nam hiện nay. Nguồn: bsr.com.vn |
Theo Bộ Công Thương, tại thời điểm xây dựng Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu thì 70% nguồn cung xăng dầu trong nước từ nhập khẩu; sản lượng xăng dầu trong nước được thực hiện theo cơ chế thu điều tiết và có giá bán tương đương xăng dầu nhập khẩu. Do vậy, công thức tính giá cơ sở xăng dầu được hình thành trên các yếu tố chi phí tương ứng với nguồn nhập khẩu là phù hợp.
Tuy nhiên đến nay, với sự thay đổi về cơ cấu nguồn cung mà sản xuất trong nước chiếm 70-75%; số lượng doanh nghiệp đầu mối tăng, thể hiện trên trang web minhbach.moit.gov.vn của Bộ Công Thương hiện 37 thương nhân đầu mối, được bộ này cho rằng tăng tính cạnh tranh trên thị trường lên rất nhiều.
Ngoài ra, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại FTAs, dẫn đến có nhiều mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khác nhau từ các thị trường, khu vực được hưởng ưu đãi về thuế quan; hay như thay đổi về cơ chế tài chính áp dụng riêng cho sản phẩm xăng dầu của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn.
Cách tính giá cũ là giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế bao gồm các yếu tố và được xác định = {Giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt} x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + mức trích lập Quỹ Bình ổn giá + Lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành. |
Còn trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương đang xây dựng trình Chính phủ, giá cơ sở xăng dầu có tính thêm tỷ trọng nguồn nhập khẩu, giá sản xuất trong nước…
Giá cơ sở/tối đa mặt hàng xăng dầu (trừ xăng E5, E10) được xác định bằng (=) Giá cơ sở/tối đa từ nguồn nhập khẩu nhân (x) Tỷ trọng nguồn nhập khẩu cộng (+) Giá tối đa từ nguồn sản xuất trong nước nhân (x) Tỷ trọng nguồn sản xuất trong nước.
Giá cơ sở xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) chi phí thuế nhập khẩu cộng (+) chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Giá cơ sở/tối đa từ nguồn sản xuất trong nước được xác định bằng (=) Giá mua xăng dầu của các thương nhân đầu mối tại kho/cảng của các nhà máy lọc dầu trong nước (đã bao gồm premium, chưa bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT) cộng (+) Chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về kho của thương nhân đầu mối (nếu có) cộng (+) Thuế, phí theo quy định cộng (+) mức trích Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) Lợi nhuận định mức. |
Dự thảo cũng đưa ra quy định thương nhân kinh doanh xăng dầu có tổ chức hoạt động sản xuất, chế biến xăng dầu được chuyển nhượng cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng không quá 34% và phải được Bộ Công Thương chấp thuận sau khi thẩm định.
Trong tờ trình của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải ký, đã cho rằng hiện nay có nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước đã trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa có sự tham gia của nhà đầu tư ngoài.
Theo quy định tại Điều 30 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, đã quy định việc dự trữ đối với thương nhân sản xuất xăng dầu nhưng chỉ với các thương nhân có hệ thống phân phối. Hiện tại, 2 thương nhân sản xuất xăng dầu tại Việt Nam (lọc hóa dầu Bình Sơn và Nghi Sơn) bán toàn bộ sản phẩm cho 1 Công ty thương mại thuộc Tập đoàn Dầu khí, không tổ chức hệ thống phân phối, vì vậy các thương nhân sản xuất này chưa thuộc đối tượng phải dự trữ.
Để bảo đảm an ninh năng lượng, bảo đảm nguồn cung và bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu, Bộ Công Thương cho rằng cần xem xét quy định việc dự trữ bắt buộc đối với doanh nghiệp sản xuất xăng dầu.
Theo thesaigontimes.vn
https://www.thesaigontimes.vn/298533/se-thay-doi-cach-tinh-gia-xang-dau.html
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/se-thay-doi-cach-tinh-gia-xang-dau-a16768.html