126 dự án có đất hỗn hợp gặp khó
Năm 2019, thị trường bất động sản tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đều ghi nhận sự giảm tốc, chững lại. Có nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan khiến thị trường lâm vào tình cảnh như hiện nay. Trong đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) chỉ ra rằng, vướng mắc các thủ tục đầu tư xây dựng, đất công, đất hỗn hợp là nguyên nhân làm cho thị trường bất động sản rơi vào cảnh khó khăn, nguồn cung thấp kỷ lục thời gian qua.
Thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, từ ngày 1/7/2015 đến tháng 8/2018, đã có 170 dự án được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư. Nhưng trong số đó chỉ có 44 dự án (chiếm tỷ lệ 26%) có sổ đỏ đất ở còn lại 126 dự án (chiếm tỷ lệ 74%) là có quỹ đất hỗn hợp, có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp, đất chuyên dụng. Mặc dù những dự án này đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng không được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để có cơ sở thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng tiếp theo, dẫn đến dự án bị “ách tắc, đứng hình”, doanh nghiệp lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn.
Bởi theo nguyên tắc, tất cả dự án có quỹ đất hỗn hợp phải chuyển mục đích sử dụng đất thành đất ở thì phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 32 Luật Đầu tư và Điều 170 Luật Nhà ở. Nhưng sau khi đã có quyết định chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư lại không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Do vậy không làm được thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án.
HoREA kiến nghị giải quyết vướng mắc
Trước những khó khăn mà thị trường đang gặp phải, đồng thời nhằm định hướng các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn đang làm sụt giảm nguồn cung dự án nhà ở, sản phẩm nhà ở, tạo điều kiện để thị trường bất động sản TP.HCM phục hồi, phát triển ổn định, bền vững và giải quyết kịp thời nhu cầu nhà ở của các tầng lớp nhân dân, nhất là người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đề xuất các phương án xử lý nhằm tháo gỡ bớt những bất cập, vướng mắc của thị trường bất động sản.
Cụ thể, Hiệp hội đề xuất 3 phương án xử lý phần đất thuộc Nhà nước quản lý trong dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, thuộc thẩm quyền của UBND thành phố.
Thứ nhất, căn cứ pháp luật đất đai hiện nay về xác định "giá đất cụ thể" phù hợp giá thị trường, theo các phương pháp tính giá đất được quy định tại Nghị định 44/2014/NĐ-CP, Hiệp hội đề nghị UBND thành phố cho phép giao phần đất rạch, bờ đất, đường do Nhà nước quản lý có hình dạng bất định hình (không thể xác định chỉ tiêu quy hoạch thành một dự án độc lập), nằm xen cài rải rác trong dự án nhà ở cho chủ đầu tư để thực hiện dự án, mà không phải thực hiện đấu giá theo quy định.
Thứ hai, thực hiện chuyển đổi quyền sử dụng đất rạch, bờ đất, đường thuộc Nhà nước quản lý theo cơ chế "chuyển đổi quyền sử dụng đất" và "dồn điền đổi thửa". Thực hiện cơ chế đổi ngang "đất thô". Sau đó, doanh nghiệp sẽ chỉ lập dự án nhà ở thương mại trên phần đất còn lại. Nếu tổ chức đấu giá thì doanh nghiệp đã có quỹ đất liền kề sẽ tham gia và chấp nhận cả mức giá cao nhất để sau đó hợp thửa vào dự án.
Thứ ba, đối với trường hợp diện tích các phần đất rạch, bờ đất, đường nằm trong dự án nhà ở, do Nhà nước quản lý, có hình dạng xác định, có thể xác định chỉ tiêu quy hoạch xây dựng để hình thành dự án độc lập, xác định được giá khởi điểm đấu giá, thì Hiệp hội kiến nghị thực hiện đấu giá đất hoặc đấu thầu dự án để lựa chọn chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, HoREA đặc biệt quan tâm đến vấn đề thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp. Trên thực tế, các dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp cũng bị vướng mắc về thủ tục đầu tư xây dựng tương tự dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp. Nhưng, dự án nhà ở xã hội có đặc thù là được miễn tiền sử dụng đất, nên cần có quy trình giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng riêng, theo hướng tinh giản, rút ngắn quy trình.
Theo đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất cần phải lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Sau đó lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị. Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cho chủ đầu tư được miễn nộp tiền sử dụng đất theo quy định, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tổ chức thực hiện theo quy định. Cuối cùng là lập thủ tục công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng, giao Sở Xây dựng tổ chức thực hiện theo quy định.
Với những đề xuất trên, HoREA kiến nghị Chính Phủ, các bộ liên quan cùng chính quyền TP.HCM sớm có biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển và phục hồi sau thời gian dài trầm lắng.