HoREA vừa có văn bản gửi Chính phủ và các bộ ngành đề nghị sớm ban hành khung giá đất giai đoạn 2020-2024 tốt nhất là giữa tháng 12/2019 để các tỉnh và thành phố có căn cứ pháp luật và đủ thời gian để xây dựng, ban hành giá đất áp dụng kể từ ngày 1/1/2020.
HoREA đề xuất 2 phương án cho giai đoạn 2020-2024. Phương án đầu tiên là giữ nguyên mức giá của khung giá đất giai đoạn 2014-2019. Phương án thứ 2, chỉ tăng khoảng 15% để không tác động nhiều đến thu hút đầu tư và nghĩa vụ của các cá nhân, hộ gia đình.
Trong 2 phương án trên, HoREA kiến nghị chọn phương án đầu tiên để đảm bảo ổn định thị trường bất động sản.
HoREA lý giải, nếu khung giá đất và bảng giá đất tăng sẽ khiến giá nhà ở tăng cao vì tiền sử dụng đất chiếm khoảng 10% giá thành căn hộ nhà chung cư, 30% giá thành nhà phố và 50% giá thành biệt thự. Ngoài ra, nếu biên độ tăng giá trong khung giá đất, bảng giá đất quá lớn, có thể dẫn đến việc tận thu.
Trước mắt, có thể làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước tăng, nhưng về lâu dài có thể dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất - kinh doanh, người dân không làm được "sổ đỏ" dẫn đến giao dịch ngầm, mà hệ quả là có thể làm sụt giảm nguồn thu của Nhà nước.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, giá đất là một trong những yếu tố cấu thành nên giá nhà nên khi giá đất tăng thì tất yếu sẽ đẩy giá nhà tăng, ảnh hưởng rất lớn đến người dân và doanh nghiệp phát triển nhà ở, nhất là khi thu nhập của người dân hiện tại còn chưa theo kịp giá nhà.
"Do vậy, bảng giá đất tăng, tất yếu sẽ tác động trực tiếp làm cho giá nhà tăng. Mà giá nhà nhà hiện đang quá cao so với thu nhập, có thể mấy chục năm thì người dân mới đủ tiền mua một căn nhà. Nếu giá đất tiếp tục tăng thì cơ hội sở hữu nhà ở của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp sẽ ngày càng xa vời" - ông Long cho biết.
Về lâu dài, theo GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, vai trò của khung giá đất cần được thay thế bằng cơ quan định giá đất quốc gia hoặc hội đồng thẩm định giá đất quốc gia. Cơ quan này có chức năng ban hành các quyết định cuối cùng về giá đất và quản lý giá đất như giải quyết các xung đột về giá đất, quyết định về các phương pháp định giá đất.
GS Võ nói thêm rằng cần kiểm soát chặt chẽ việc ban hành bảng giá đất của các địa phương và Bộ Tài nguyên Môi trường hướng dẫn cụ thể về các phương pháp định giá hàng loạt trong xây dựng bảng giá đất.
HoREA cũng đề xuất, đối với hai đô thị đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM cần có khung giá đất riêng. Hiệp hội kiến nghị bãi bỏ quy định "Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 5 năm một lần", nên giao quyền cho Hội đồng nhân dân, UBND cấp tỉnh chủ động, chịu trách nhiệm ban hành "Bảng giá đất" để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế địa phương.