Điểm danh những doanh nghiệp “khủng” sắp lên sàn

Trong 12 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng chục ngàn tỷ đồng.

Trong 12 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết có nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng chục ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết mới và chuyển sàn, năm 2020 cũng là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình của Chính phủ.

Xếp hàng chờ lên sàn HSX

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, hiện có 12 doanh nghiệp nộp hồ sơ niêm yết mới, trong đó nhiều doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ hàng chục ngàn tỷ đồng. Mới đây nhất, ngày 19/11/2019, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) nộp hồ sơ niêm yết, với khối lượng đăng ký niêm yết là 1,175 tỷ đơn vị cổ phiếu. 

Theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đến hết năm 2020, toàn bộ các ngân hàng thương mại phải niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chính thức. Do vậy, ngoài MSB, thời gian tới thị trường chứng khoán (TTCK) sẽ tiếp tục đón nhận nhiều ngân hàng khác niêm yết. Đây đồng thời là căn cứ pháp lý quan trọng để TTCK có cơ hội gia tăng mạnh mẽ lượng hàng mới tới đây.

Ngoài nhóm ngân hàng, danh sách chờ niêm yết mới trên sàn HOSE hiện nay có những cái tên đáng chú ý như Công ty cổ phần (CTCP) tập đoàn Hóa chất Đức Giang; Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội; tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), CTCP Bất động sản An Gia, CTCP Dịch vụ sân bay...

Ảnh minh họa.

Trong đó, quy mô niêm yết lớn nhất thuộc về GVR với 4 tỷ đơn vị cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 40.000 tỷ đồng. GVR đã tiến hành cổ phần hóa vào năm 2018 nhưng chỉ bán được khoảng 20% lượng chào bán. Hiện Nhà nước vẫn nắm giữ đa số vốn tại doanh nghiệp này. Cổ phiếu GVR đang giao dịch trên sàn UpCom với thị giá 13.980 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa 55.920 tỷ đồng. Trên sàn này, vốn hóa của GVR chỉ đứng sau mã ACV (vốn hóa 164.080 tỷ đồng), VGI (vốn hóa 88.179 tỷ đồng) và VEA (vốn hóa 64.420 tỷ đồng).

Các chỉ số tài chính cơ bản như lợi nhuận/mỗi cổ phần (EPS) hay lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong bốn quí gần nhất của GVR tuy không cao (chỉ đạt 830 đồng và 6,65%), nhưng GVR được chờ đợi do có tiềm năng ở quỹ đất nông nghiệp, khu công nghiệp lớn. GVR sở hữu nhiều doanh nghiệp và có các công ty liên kết đang kinh doanh có hiệu quả với lịch sử trả cổ tức tốt như Nam Tân Uyên, Phước Hòa…

Một “đại gia” về bất động sản là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex (BCM) cũng đã thông qua việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCom để chuẩn bị niêm yết trên sàn HOSE. Được biết, thời gian thực hiện chuyển sàn của BCM là trong quý IV/2019 và dự kiến giao dịch chính thức vào đầu tháng 1/2020. BCM đang triển khai việc tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, BCM lên kế hoạch phát hành quyền mua 5:1 cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng 207 triệu cổ phiếu. Đồng thời, BCM dự kiến phát hành riêng lẻ 758 triệu cổ phiếu. Giá dự kiến sẽ cao hơn giá trị sổ sách trước thời điểm phát hành (giá trị sổ sách năm 2018 là 12.315 đồng/cổ phiếu), với thời gian thực hiện trong năm 2019 - 2020. Ước tính tổng khối lượng đang lưu hành sẽ tăng lên gấp đôi sau khi BCM hoàn tất các đợt phát hành trên.

 

Thời hạn 2020 đã cận kề

Trong Đề án tái cấu trúc TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào đầu năm 2019, quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam năm 2020 phải đạt mốc 100% GDP (hiện nay tỷ lệ này là 80% GDP). Mục tiêu trên phụ thuộc vào hai yếu tố: giá cổ phiếu và số lượng cổ phiếu niêm yết trên sàn. Trong đó, gia tăng hàng hóa trên thị trường là giải pháp hiệu quả vì vừa giúp đa dạng hàng hóa, vừa giúp quy mô thị trường tăng nhanh hơn với việc chỉ tăng về giá.

Bên cạnh các doanh nghiệp niêm yết mới và chuyển sàn, năm 2020 cũng là năm cuối trong kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình của Chính phủ. Hàng loạt doanh nghiệp lớn đã được định danh trong danh sách này. Theo đó, có 93 doanh nghiệp sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, trong đó có rất nhiều cái tên đang được mong chờ với tiềm lực “khủng”.

Trong nhóm doanh nghiệp cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) là cái tên gây nhiều chú ý. Đến cuối năm 2018, tổng tài sản hợp nhất của toàn hệ thống Agribank đạt 1,28 triệu tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu đạt 58.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của Agribank cũng tăng trong các năm gần đây. Đặc biệt, năm 2018 Agribank lãi 6.047 tỷ đồng, gần gấp đôi so với năm 2017.

Một doanh nghiệp lớn khác là tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - TKV (Vinacomin). Theo báo cáo năm 2018, tổng doanh thu toàn tập đoàn đạt 121.000 tỷ đồng, trong đó riêng doanh thu từ sản xuất than đạt 62.000 tỉ đồng. Lợi nhuận toàn tập đoàn đạt 4.000 tỷ đồng, tăng 1.000 tỷ đồng so với năm 2017.

Bên cạnh đó, phải kể đến hai ông trùm viễn thông có tiềm lực khủng là tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

Ngoài ra, còn có Tổng công ty Phát điện 1 (Genco 1) và Tổng công ty Phát điện 2 (Genco 2). Tổng tài sản của Genco 1 tính đến cuối năm 2018 lên đến trên 112.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 23.200 tỷ đồng. Genco 2, tổng tài sản trên 31.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 12.000 tỷ đồng.

Trong danh sách này còn rất nhiều cái tên có tài sản lên tới hàng ngàn tỉ đồng như Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (Satra), Tổng công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC)...

http://reatimes.vn/diem-danh-nhung-doanh-nghiep-khung-sap-len-san-20191215170746633.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/diem-danh-nhung-doanh-nghiep-khung-sap-len-san-a15568.html