Lỗ lũy kế đến 1.211 tỷ, vốn âm 300 tỷ, Full Power “cạn kiệt” năng lượng?

Là một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Full Power có được những thành quả rất ấn tượng ngày đầu chào sàn. Nhưng nay năng lượng đã cạn, Công ty có lỗ luỹ kế đến ngày 30/9 chạm mốc 1.211 tỷ đồng.

Là một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Full Power có được những thành quả rất ấn tượng ngày đầu chào sàn. Nhưng nay năng lượng đã cạn, Công ty có lỗ luỹ kế đến ngày 30/9 chạm mốc 1.211 tỷ đồng.

CTCP Full Power (FPC) mới báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2019 với khoản thua lỗ 3 tỷ đồng, nâng mức lỗ 9 tháng gần 14 tỷ đồng, lỗ lũy kế lên đến 1.211 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 300 tỷ đồng.

Riêng trong quý 3, Full Power ghi nhận gần 1,5 tỷ đồng doanh thu thuần, gấp 3 lần so cùng kỳ. Sau khi trừ các chi phí, Công ty lỗ ròng 3 tỷ đồng, tương đương với mức lỗ của cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, chỉ tiêu doanh thu thuần cũng đạt 8 tỷ trong khi đó lỗ ròng lên đến 14 tỷ đồng, ngang bằng với mức lỗ của cùng kỳ. Theo đó, Công ty gia tăng kỷ lục về số lũy kế chạm mức 1.211 tỷ đồng.

Tại ngày 30/9, tài sản của Full Power giảm đến 48% so với đầu năm khi chỉ còn hơn 18 tỷ đồng, chủ yếu là giảm tài sản ngắn hạn.

Công ty đang có khoản nợ xấu khoảng 267 tỷ đồng và gần như không thu hồi được. Khoản nợ xấu này hầu hết đến từ các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa thanh toán, các khoản thu về lãi trả chậm,…

Đáng chú ý, Full Power có tài sản dở dang dài hạn lên đến 111 tỷ đồng và được Công ty trích lập dự phòng toàn bộ (các công trình đã ngưng thi công do các dự án không tiếp tục thực hiện).

Nguồn: BCTC quý 3/2019 của Full Power.

Nợ phải trả ghi nhận gần 318 tỷ đồng, đa số là nợ ngắn hạn. Trong đó, vay và thuê nợ tài chính ngắn hạn hơn 106 tỷ đồng, vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 14 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại ngày 30/9 của Công ty âm tới 300 tỷ đồng.

Full Power là một công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được thành lập tại Việt Nam vào tháng 2/2000. Full Power cũng là doanh nghiệp FDI thứ ba tại Việt Nam được chấp thuận cho niêm yết trên HoSE vào năm 2006.

Hai năm trước khi lên sàn, doanh thu và lợi nhuận của Công ty khá ổn định. Cụ thể, năm 2004 tổng doanh thu thuần đạt 473 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 3,75 tỷ đồng.

Năm 2005 doanh thu là 362,5 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 24,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ các công trình xây dựng chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu của Công ty. Tương ứng với tỷ trọng doanh thu thì lợi nhuận từ nhóm công trình xây dựng chiếm tới hơn 60%.

Tuy nhiên, cổ đông Full Power chỉ được hưởng thêm quả ngọt vào năm Công ty lên sàn và năm sau đó (2007 lãi hơn 66 tỷ đồng – mức lãi cao kỷ lục) bởi kể từ năm 2008 trở đi mới thực sự là chuỗi ngày đen tối.

Đỉnh điểm nhất là vào năm 2012, Full Power báo lỗ kỷ lục 384 tỷ đồng. Lỗ lũy kế chính thức lên con số hơn 1.000 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu lần đầu tiên bị âm 187 tỷ đồng.

Năm 2012 cũng là năm mà Full Power giải thể 10 công ty con và thông qua kế hoạch chuyển nhượng hàng loạt tài sản như đất ở tại quận 9 (TPHCM) và nhà xưởng Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Từ đó đến nay, Full Power vẫn liên tục lỗ, dù không còn nặng như năm 2012 nhưng đều đặn vài chục tỷ đồng mỗi năm.

Anh Nhi - Theo Vietnamdaily

Link gốc: https://vietnamdaily.net.vn/tai-chinh/lo-luy-ke-den-1211-ty-von-am-300-ty-full-power-da-can-nang-luong-78820.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/lo-luy-ke-den-1-211-ty-von-am-300-ty-full-power-can-kiet-nang-luong-a15257.html