Ngày 7/10, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 7 tiếp xúc cử tri quận 2, TP.HCM, trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Sau gần 3 giờ lắng nghe các ý kiến của cử tri, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, đại diện tổ đại biểu trả lời những kiến nghị của cử tri.
Đất tái định cư thành dự án nhà ở
Ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết đã nghiên cứu một số đơn kiến nghị của người dân cho rằng 5 khu phố 3 phường Bình An, Bình Khánh và An Khánh nằm ngoài ranh. Theo đó, một số văn bản trước đây từ thời huyện Thủ Đức tách ra quận 2 và một số văn bản của sở, ngành, về phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm có những chi tiết vênh nhau.
Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê. Ảnh: Sỹ Đông. |
“Cử tri mong muốn kết luận của thanh tra thì cơ quan thanh tra phải trả lời, đối thoại. Cơ quan thanh tra dựa vào cơ sở nào để nói trong ranh thì cần phải trả lời cho cử tri”, ông Khuê nhìn nhận và cho biết sẽ trao đổi với Thanh tra Chính phủ để phản hồi cho người dân.
Trước câu hỏi 160 ha tái định cư liền kề Khu đô thị mới Thủ Thiêm giờ ra sao, ông Khuê cho biết các cơ quan chức năng của thành phố đang thống kê hiện trạng từng giai đoạn theo chỉ đạo của Thành ủy.
“Cử tri hỏi 160 ha đó đi đâu, nó không thể trôi sông trôi biển được. Chúng tôi sẽ báo cáo lại và giám sát việc thực hiện của các cơ quan chức năng”, đại biểu Khuê khẳng định.
Năm 2018, Thanh tra Chính phủ xác định có 51 dự án nhà ở, văn phòng, khu vui chơi giải trí, công trình công cộng với tổng diện tích khoảng 144,6 ha được xây dựng trên khu đất được phê duyệt phục vụ tái định cư.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, khẳng định tất cả các vấn đề cử tri quan tâm được đại biểu báo cáo đến Quốc hội.
Cụ thể, kiến nghị của người dân về việc yêu cầu làm rõ cơ sở pháp lý về ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chứ không chỉ riêng khu 4,3 ha đã được chuyển tới lãnh đạo thành phố và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ba đề nghị khác của người dân gồm xem xét giải quyết những vấn đề liên quan đến kiểm đếm tài sản, hồ sơ đền bù, thu hồi đất phải xem xét từng trường hợp cụ thể; thành lập đoàn liên ngành để thanh tra toàn diện Khu đô thị mới Thủ Thiêm và đề nghị lãnh đạo thành phố tổ chức đối thoại cũng được đại biểu chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.
Đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Tương tự các buổi tiếp xúc cử tri ở quận 2 trước đây, vấn đề Thủ Thiêm là nội dung chính được đa số cử tri đăng ký phát biểu. Ông Trương Văn Sinh cho rằng Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án lớn nhất cả nước, ảnh hưởng tới cuộc sống của hơn chục nghìn hộ dân.
Từng tham gia nhiều buổi tiếp xúc cử tri, ông Sinh cho rằng nếu cứ tiếp tục cảnh cử tri phát biểu, đại biểu ghi nhận thì 5 năm sau chưa chắc đã xong. Do đó, cử tri này đề nghị lãnh đạo thành phố tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với người dân Thủ Thiêm, 5 khu phố của 3 phường mới giải quyết được.
Cử tri Trương Văn Sinh đề nghị chuyển hồ sơ Khu đô thị mới Thủ Thiêm sang cơ quan điều tra. Ảnh: Quang Huy. |
“Giữa Nhà nước với người dân thì không có đúng hay sai, thiệt hay hơn, người dân cần công khai minh bạch, hài hòa quyền lợi giữa người dân, nhà đầu tư và Nhà nước. Các đại biểu Quốc hội phải giám sát và có ý kiến quyết liệt, nếu TP.HCM không giải quyết dứt điểm thì đề nghị Chính phủ chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, khởi tố vụ án”, ông Sinh đề nghị.
Buổi tiếp xúc cử tri thỉnh thoảng bị gián đoạn vì một số người dân đứng dậy nói lớn khi người khác đang phát biểu khiến ban tổ chức phải nhắc nhở.
Theo Zing.vn