Sau gần 2 năm triển khai, dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á (Củ Chi, TP.HCM) vẫn nằm trên giấy, do trong khu đất dự án có một con mương và đường bờ với diện tích chưa đến 390m2 đang vướng thủ tục vì con mương này là đất công.
Ngoài tiền nhập khẩu máy hơn 50 tỉ đồng, chúng tôi cũng bỏ trên 50 tỉ nữa để xây dựng các hạng mục khác rồi để không, mỗi tháng trả trên 1 tỉ đồng tiền lãi.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm (giám đốc Công ty TNHH An Hạ)
Dù chủ đầu tư dự án - Công ty TNHH An Hạ - đã gõ cửa kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay, toàn bộ máy móc thiết bị của nhà máy được nhập về với trị giá hơn 50 tỉ đồng vẫn đang nằm đắp chiếu trong kho, chưa kể hàng chục tỉ đồng đầu tư hạ tầng ban đầu mà chủ đầu tư đã bỏ ra.
Và đây chỉ là một trong nhiều dự án xây dựng nhà máy giết mổ hiện đại trên địa bàn TP.HCM đang giậm chân tại chỗ do thủ tục.
Máy móc trị giá hàng chục tỉ đắp chiếu
Mở cánh cửa nhà kho tại xã Tân Phú Trung (Củ Chi), bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - giám đốc Công ty TNHH An Hạ - chỉ cho chúng tôi xem một loạt máy móc cho nhà máy được nhập từ Brazil về đang đắp chiếu, bụi và mạng nhện bám đầy.
"Chúng tôi đã nhập về kho từ tháng 4-2018 và dự kiến đi vào hoạt động tháng 12-2018 nhưng đến nay nhà máy còn chưa thể xây dựng nên máy móc để nguyên. Riêng phần nhập khẩu đã trên 50 tỉ đồng giờ đang để phủ bụi mà thời hạn bảo hành đã hết rồi", bà Thắm cho biết.
Theo bà Thắm, ngày 27-7-2017, UBND TP.HCM có quyết định chấp thuận cho Công ty An Hạ thực hiện dự án Nhà máy giết mổ gia súc Xuyên Á. Để kịp tiến độ thực hiện dự án, công ty đã xin phép các cơ quan chức năng thực hiện trước những công trình phụ (san lấp mặt bằng khu đất, xây dựng hàng rào, cổng nhà máy...) nhằm chuẩn bị cho việc xây dựng nhà máy khi có giấy phép xây dựng.
Công ty cũng xây dựng và lắp đặt xong hệ thống xử lý nước thải với công nghệ được hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường phê duyệt. Nhưng kể từ khi nhận được quyết định chủ trương đầu tư đến nay, dù đã liên hệ khắp nơi, công ty vẫn chưa nhận được quyết định cho thuê và chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên chưa thể xây dựng nhà máy!
Theo tìm hiểu của chúng tôi, rắc rối bắt nguồn từ việc có 387,1m2 đất công (gồm 179,8m2 mương với chiều ngang chỉ hơn 1m và 207,3m2 đường bờ với chiều ngang hơn 2m) nằm giữa khuôn viên khu đất làm dự án (gần 3ha) nên cơ quan chức năng và UBND TP.HCM không giải quyết thủ tục giao đất cho An Hạ.
Do đường bờ nằm dọc và mương nước nằm ngang trên suốt phần đất dự án, nên công ty phải sử dụng luôn phần đất này khi xây dựng nhà máy giết mổ. "Với chưa đến 400m2, lại nằm trọn trong dự án, không thể đấu giá cũng như đưa vào sử dụng cho mục đích nào khác. Chúng tôi mong muốn được thuê 387,1m2 này nhưng chưa được giải quyết", bà Thắm nói.
Do đó, sau rất nhiều lần gửi đơn đề nghị cũng như cầu cứu các cơ quan chức năng và UBND TP.HCM, đến nay Công ty An Hạ vẫn chưa nhận được quyết định giao đất để xây dựng. "Chúng tôi đang quá bế tắc và đang đứng ở bờ vực phá sản. Công ty rất mong muốn cơ quan chức năng sớm giải quyết để được xây dựng và đưa nhà máy vào hoạt động", bà Thắm viết trong đơn kêu cứu gửi HĐND, UBND và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong.
Nhiều kế hoạch nâng cấp ngành giết mổ bị phá sản
Không chỉ có dự án của An Hạ, một số dự án khác trong kế hoạch hiện đại hóa ngành giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố cũng đang gặp khó khăn về thủ tục để triển khai đầu tư. Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tháng 1-2019, UBND TP.HCM có quyết định số 300/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đến 30-9-2019 sẽ đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại, trong đó có nhà máy của An Hạ. Tuy nhiên đến cuối tháng 11-2019, phần lớn các nhà máy giết mổ nói trên đều không đảm bảo tiến độ, có nhà máy chưa thể triển khai xây dựng như An Hạ hay Tân Hiệp (Củ Chi).
Đại diện của Nhà máy Tân Hiệp cho biết đến nay công ty vẫn chưa thể triển khai xây dựng được vì chưa có đường vận chuyển nguyên liệu vào nhà máy do trước kia chính quyền địa phương hứa làm đường nhưng rồi không thực hiện. Do thời gian chờ đợi quá lâu, dân cư xung quanh về ở nhiều nên nhà máy buộc phải làm lại quy hoạch chi tiết cho phù hợp nhưng vẫn chưa được giải quyết.
"Nếu đúng theo kế hoạch ban đầu, chúng tôi đã đưa nhà máy vào hoạt động cuối năm 2018 và tận dụng thời điểm heo giảm giá mạnh hồi đầu năm để giết mổ, cấp đông thì nay đã kiếm được rất nhiều lợi nhuận. Do thủ tục tốn quá nhiều thời gian, chúng tôi cũng đang cân nhắc chuyển qua vị trí khác để đầu tư nhà máy", vị này cho biết.
Đây không phải là lần đầu tiên kế hoạch hiện đại hóa ngành giết mổ gia súc, gia cầm của thành phố bị trễ hẹn. Gần 20 năm qua, TP.HCM đã ban hành nhiều kế hoạch, quy hoạch để chuyển đổi các cơ sở giết mổ thủ công, nhỏ lẻ sang các nhà máy giết mổ hiện đại để giảm rủi ro dịch bệnh, tăng an toàn thực phẩm. Nhưng hết lần này đến lần khác, các kế hoạch này đều không thể thực hiện được.
Trước đó, vào năm 2016, UBND TP đã có quyết định 2032 phê duyệt phương án "Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025".
Theo kế hoạch này, đến cuối năm 2017, tất cả cơ sở giết mổ thủ công hiện hữu phải chấm dứt hoạt động và toàn bộ hoạt động giết mổ heo được đưa vào 6 nhà máy giết mổ gia súc trên địa bàn hai huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Đây là những dự án quy mô công nghiệp hiện đại với tổng công suất giết mổ lên tới 10.000 - 15.000 con/ngày. Tuy nhiên đến nay, các kế hoạch này đều lần lượt phá sản dù các doanh nghiệp rất tích cực tham gia và nỗ lực thực hiện.
Nhiều lần đề nghị cho An Hạ thuê đất
Theo Sở TN-MT TP.HCM, qua rà soát bản đồ hiện trạng thể hiện diện tích đất đường, mương thuộc khu đất dự án của An Hạ có hình dáng dài, hẹp, xen kẹp trong phần diện tích đất của công ty. Do vậy, không thể chỉ giao 29.661,9m2 đất mà không bao gồm phần đất là đường, mương (387,1m2).
Sau khi Sở TN-MT gửi công văn đề nghị hướng dẫn việc xử lý các dự án vướng một phần "đất do Nhà nước trực tiếp quản lý", Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT) đã có công văn trả lời, trong đó hướng dẫn áp dụng khoản 15 điều 2 nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai. Theo đó, với những trường hợp này, "UBND cấp có thẩm quyền quyết định thu hồi đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án đối với diện tích đất đó".
Căn cứ trên hướng dẫn này, Sở TN-MT đề nghị UBND TP xem xét, chấp nhận đối với phần diện tích đất đường, mương thuộc dự án của An Hạ làm chủ đầu tư, đồng thời giao Sở KH-ĐT thực hiện thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương dự án để Sở TN-MT tham mưu UBND TP giải quyết thủ tục sử dụng đất cho Công ty An Hạ. Tuy nhiên đến nay, các kiến nghị này vẫn chưa được thực hiện.
Liên tiếp lỡ kế hoạch
* Ngày 17-2-2005: UBND TP.HCM ban hành quyết định số 31/2005/QĐ-UB về phương án quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM đến năm 2010.
* Ngày 20-1-2011: UBND TP.HCM ban hành quyết định 313/QĐ-UBND thay thế quyết định 31 về phê duyệt phương án "Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2011 - 2015".
* Ngày 25-4-2016: UBND TP.HCM ban hành quyết định 2032/QĐ-UBND thay thế quyết định 313 phê duyệt phương án "Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025".
* Tháng 1-2019: UBND TP.HCM có quyết định số 300/QĐ-UBND về ban hành kế hoạch bố trí nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn với mục tiêu đến ngày 30-9-2019 sẽ đưa vào hoạt động 6 nhà máy giết mổ gia súc quy mô công nghiệp hiện đại.