Rất nhiều bạn đọc đã phản ứng dữ đội khi được biết: Công ty CP Khánh An được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò đất hiếm ở huyện Bảo Thắng, tỉnh Lao Cai trong thời gian 48 tháng. Trong đó, 19 lao động là chuyên gia Trung Quốc trực tiếp thăm dò đất hiếm được thuê thời vụ.
Dư luận càng phẫn nộ hơn với nội dung trả lời của Sở LĐ-TB-XH Lào Cai: "Vì vướng quy định nên chúng tôi không thể xử lý được. Các lao động Trung Quốc có thời hạn làm việc dưới 3 tháng ở Việt Nam nên không cần làm thủ tục xin - cấp giấy phép".
Sau khi nghe câu chuyện "đất hiếm" hầu như bạn đọc nào cũng kịch liệt phản đối và đưa ra những phân tích rất rõ ràng, xác đáng. Khó hiểu là với những người dân bình thường mà còn có tư duy, tầm nhìn như vậy, nhưng với cơ quan quản lý thì lại có suy nghĩ rất hời hợt, chủ quan, lỏng lẻo.
Thông tin Công ty CP Khánh An được Bộ TN-MT cấp phép thăm dò đất hiếm ở tỉnh Lao Cai. Trong đó, 19 lao động là chuyên gia Trung Quốc - đang gây bức xúc dư luận
"Đất hiếm - phải cẩn trọng với vốn quý này. Đã là "đất hiếm" thì nên giữ kỹ, không thể lãng phí. Với đất hiếm cần phải có sách lược khai thác bài bản vì đây là tài nguyên chính trong các ngành chế tạo kỹ thuật cao" - nhiều bạn đọc lên tiếng.
Bạn đọc Nguyen Ly thắc mắc: Chúng ta có hàng ngàn giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư sao phải thuê chuyên gia Trung quốc?. Bạn đọc Khánh Vân nói thêm: "Nếu mình chưa có nhân lực thì cần đào tạo nhân lực trong nước, không nên thuê nước ngoài trong lĩnh vực nhạy cảm này". Bạn đọc Vĩnh thì lo lắng: "Chuyên gia Trung Quốc sang thăm dò, thăm dò xong rồi có khai thác mang về Trung Quốc không?".
Bạn đọc Loan Lê thì "nổi nóng" với lý do "vướng quy định nên chúng tôi không thể xử lý được", bạn đọc này viết: "Đề nghị chỉnh sửa ngay quy định để quản lý lao động nước ngoài cho phù hợp, quy định là do mình đề ra, không phù hợp thì phải sửa". Bạn đọc Thanh Hoài cũng đồng tình với ý kiến của bạn đọc Loan Lê khi cho rằng quy định vậy thì sửa để dễ quản lý, chứ sao lại "đổ lỗi" cho vướng quy định đã có.
Bạn đọc có email "hcns@3qvina.com.vn" chỉ ra: "Những tài nguyên quý hiếm mà hiện nay mình chưa đủ trình độ khai thác chế biến để sử dụng thì nên dành lại cho thế hệ con cháu, tránh khai thác bán thô sau này cần dùng không có. Trước đây, với nguyên liệu quý là Titan, mình đã khai thác xuất bán thô quá là lãng phí. Cơ quan chức năng cần qui định chỉ có những đơn vị của nhà nước mới được phép khai thác những tài nguyên quý hiếm".
Bạn đọc Lê Đăng Ninh đề xuất thêm: "Cần xem vấn đề đất hiếm là chiến lược an ninh quốc gia. Chính phủ và Quốc hội cần sớm thông qua quy định bằng luật để quản lý và đầu tư khai thác đất hiếm. Nhà nước cần quản lý toàn diện đất hiếm như là một tài nguyên đặc biệt, như bảo vệ an ninh quốc gia vậy. Dứt khoát không thể giao đất hiếm cho các doanh nghiệp quản lý, khai thác".
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/phai-de-danh-dat-hiem-cho-con-chau-doi-sau-a13815.html