2km đường, 20 năm nằm trên giấy

Dự án đường Vành đai vào Khu Công nghệ cao (quận 9) được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2000, với mục tiêu phát triển giao thông khu vực, phục vụ Khu công nghệ cao và từng bước hoàn chỉnh đường Vành đai ngoài của TPHCM. Tuy nhiên, đến nay đã gần 20 năm, dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.

Dự án đường Vành đai vào Khu Công nghệ cao (quận 9) được UBND TPHCM phê duyệt từ năm 2000, với mục tiêu phát triển giao thông khu vực, phục vụ Khu công nghệ cao và từng bước hoàn chỉnh đường Vành đai ngoài của TPHCM. Tuy nhiên, đến nay đã gần 20 năm, dự án vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Thay đổi xoành xoạch
Theo phương án được duyệt, tuyến đường dài hơn 2km, rộng 107m, với điểm đầu từ xa lộ Hà Nội đến đường Võ Văn Ngân. Dọc hai bên đường xây dựng 2 khu tái định cư. Bốn năm sau (2004), Văn phòng UBND TPHCM thông báo ngưng triển khai xây dựng khu tái định cư dọc tuyến đường để điều chỉnh mở rộng đủ theo lộ giới 120m.

UBND TPHCM yêu cầu UBND quận 9 khảo sát, khẩn trương xác định địa điểm xây dựng khu tái định cư khác để thay thế và vận động, thuyết phục người dân chấp hành vì lợi ích chung (riêng số tái định cư bằng nhà chung cư, có thể giải quyết bố trí ngay vào chung cư). 

Hạ tầng giao thông khu Đông TPHCM còn nhiều bất cập

Hạ tầng giao thông khu Đông TPHCM còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, đến cuối năm 2004, UBND TPHCM lại chấp thuận lộ giới của đoạn đường vào Khu Công nghệ cao (do có chủ trương sáp nhập vào tuyến cầu đường Tân Vạn - Nhơn Trạch do Bộ GTVT đầu tư) là 107m theo đề nghị của Sở GTVT TPHCM. Vì thế, các hộ dân trước đây dự kiến được bố trí tái định cư theo dự án xây dựng đường Vành đai vào Khu Công nghệ cao, nay được bố trí tái định cư tại phường Long Bình, quận 9 với đơn giá không quá 900.000 đồng/m2.

Năm 2005, UBND TPHCM lại có Công văn số 8614/UBND-ĐT về lộ giới xây dựng của đường Vành đai tiếp giáp ranh đất phía Đông Khu Công nghệ cao đã xác định đoạn có lý trình từ nút giao thông Thủ Đức (ngã ba Trạm 2 cũ) đến đường Lê Văn Việt có lộ giới 107m.

Tranh luận lộ giới

Thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM, tháng 7-2000, UBND quận 9 ban hành Quyết định số 771/QĐ-UB thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng của dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai vào Khu Công nghệ cao (giai đoạn 1). 

Cuối năm 2001, UBND TPHCM ban hành Quyết định số 8419/QĐ-UB về việc thu hồi 226.009m đất và giao toàn bộ diện tích đất thu hồi trên cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông công chánh đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai vào Khu Công nghệ cao (giai đoạn 1) và hạ tầng khu tái định cư của dự án.

Cụ thể, vị trí ranh giới khu đất tạm xác định theo bản đồ vị trí số (hợp đồng) 45/QLDA- HĐKT do Trung tâm Kiểm định bản đồ và tư vấn địa ốc lập ngày 6-1-2001. Tháng 12-2001, UBND TPHCM phê duyệt phương án đền bù, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư ở dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai vào Khu Công nghệ cao (giai đoạn 1) quận 9. 

Theo Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9, có 307 hộ dân và 1 tổ chức bị ảnh hưởng. UBND quận 9 đã ban hành 305 quyết định bồi thường cho hộ dân và tổ chức; đã chi trả tiền cho 280 hộ, còn lại hồ sơ của đình Tân Nhơn và 1 hộ vắng chủ đã chuyển tiền vào ngân hàng…

Hiện có 263/282 hộ dân và tổ chức bàn giao mặt bằng, còn 19 hộ chưa bàn giao. Có 124 hộ đủ điều kiện tái định cư nền đất (127 nền) và 120 hộ đã nhận nền tái định cư (123 nền), còn lại 4 hộ (4 nền) chưa đồng ý nhận nền.

Theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chỉnh trang khu dân cư dọc đường Nam Cao đã được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 3827/QĐ-UBND ngày 30-8-2010, đường Vành đai vào Khu Công nghệ cao có lộ giới 107m. Năm 2016, Bộ GTVT ban hành Quyết định số 497/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch (giai đoạn 1) thuộc đường Vành đai 3, TPHCM.

Trong đó, đoạn tuyến nối vào đường Vành đai 3 về nút giao Thủ Đức được giải tỏa theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh là 40,75m - 52,5m. Trên cơ sở đó, quận 9 đang lập đồ án (điều chỉnh) quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 chỉnh trang khu dân cư dọc đường Nam Cao. 

Trong các buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TPHCM và đại biểu HĐND quận 9 trong thời gian gần đây, người dân khiếu nại và đề nghị trả lại cho họ phần đất ngoài lộ giới của tuyến nối vào đường Vành đai 3 về nút giao Thủ Đức (phần đất chênh lệch giữa 107m trước đây và lộ giới dự kiến hiện nay 40,75m - 52,5 m). 

Thế nhưng, trên quan điểm “công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai vào Khu công nghệ cao trước đây đã được quận 9 thực hiện xong”, việc điều chỉnh lộ giới tuyến đường này theo quyết định của Bộ GTVT là cần thiết.

Tuy nhiên, để tránh dắt dây và ảnh hưởng việc bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án khác trên địa bàn, UBND quận 9 kiến nghị UBND TPHCM giữ nguyên phạm vi giải tỏa trước đây của đoạn từ nút giao thông Thủ Đức đến đường Lê Văn Việt là 107m, phần đất đã giải tỏa trước đây ngoài phạm vi lộ giới hiện nay của tuyến đường này sẽ không xem xét trả lại cho các hộ dân. Để tránh sự bức xúc, khiếu nại của các hộ dân, UBND quận 9 kiến nghị UBND TP điều chỉnh quy hoạch phần đất này thành đất phục vụ các công trình công cộng của quận hoặc khu vực.

Hiện các cơ quan chức năng đang xem xét, xử lý các vấn đề liên quan. Tuy nhiên, có thể nói đoạn đường chỉ có 2km, nhưng gần 20 năm qua vẫn còn… trên giấy.

QUỐC HÙNG - Theo saigondautu.com

https://saigondautu.com.vn/bat-dong-san/2km-duong-20-nam-nam-tren-giay-74833.html

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/2km-duong-20-nam-nam-tren-giay-a13708.html