Tại diễn đàn "Hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng", được phối hợp tổ chức ngày 27-11 bởi Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM và Công ty Vina CHG, nhiều doanh nghiệp sản xuất than phiền hằng ngày vẫn chứng kiến hàng giả cạnh tranh với hàng thật nhưng không có ai xử lý.
Bà Phạm Thị Đào, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào, cho rằng hàng giả tràn lan nhưng pháp luật xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Doanh nghiệp phải tự cứu mình bằng cách thuê thám tử theo dõi đường đi của hàng giả, hàng nhái; đầu tư công nghệ hiện đại để hạn chế bị làm giả. Ngoài ra, để chống hàng giả, công ty chấp nhận bán hàng theo từng tỉnh - thành, tức sản phẩm tiêu thụ tại tỉnh nào sẽ có mã vạch riêng (nếu sản phẩm bán tại địa phương nào mà không khớp mã vạch sẽ bị thu hồi).
Sản phẩm máy tính, đồng hồ Casio bị làm giả tràn lan trên thị trường
Ông Nguyễn Ngọc Tí, Giám đốc điều hành Công ty Thời trang Nón Sơn, bày tỏ bức xúc vì qua nhiều hội thảo, diễn đàn nhưng chỉ có phòng chứ không có cách nào chống được hàng giả. "Người làm hàng giả họ có đầy đủ thủ tục, cả nhà máy với dây chuyền sản xuất, khuôn mẫu. Khi bị cơ quan chức năng phát hiện, xử phạt xong lại làm giả tiếp như không có chuyện gì xảy ra. Giá trị hàng giả nhiều tỉ đồng nhưng chỉ bị xử phạt vài chục triệu đồng thì không thấm vào đâu" - ông Tí nêu thực tế.
Ông Nguyễn Việt Khôi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mediworld, kể một chuyện đau lòng khi sản phẩm viên uống chống nắng của doanh nghiệp ông sau 3 năm có mặt trên thị trường đã bị làm giả. Mà người làm giả không ai xa lạ chính là những nhân viên cũ đã nghỉ việc ra làm riêng. "Họ cũng tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm rầm rộ, với giá bán khá thấp. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng kiểm tra, xử phạt nhưng họ không bị rút giấy phép kinh doanh mà vẫn tiếp tục đặt hàng gia công tại Hà Nội rồi mang đi tiêu thụ" - ông Khôi kể.
Còn ông Lý Thành Công, đại diện nhà phân phối máy tính Casio tại Việt Nam, nêu một thực tế hàng giả sao chép, sao y ngày càng nhanh. "Sản phẩm mới đưa ra thị trường chưa được 1 tháng đã bị làm giả ngay. Hàng giả bán tại cửa hàng còn theo dõi được, còn bán trên mạng tràn lan không thể nào kiểm soát được, kể cả cơ quan chức năng. Nhiều trang mạng bán hàng giả còn đưa ra thông tin, hình ảnh phân biệt hàng thật, hàng giả nhưng khi giao hàng cho khách thì lại đưa hàng giả. Thậm chí, họ bán giá tương đương với hàng thật để người tiêu dùng tin tưởng" - ông Công kể.
Trong khi đó, theo cơ quan chức năng, quy định về việc xử phạt hiện nay mỗi nơi mỗi khác, chưa thống nhất nên việc xử lý hàng giả, hàng nhái gặp nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Thành Danh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Bình Dương, cho biết hiện nay có nhiều văn bản vi phạm pháp luật không rõ ràng nhưng chưa được sửa đổi. Chẳng hạn một vụ việc nhưng mỗi cơ quan lại có ý kiến riêng về lỗi vi phạm, ai ký người đó chịu trách nhiệm.
Ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TP HCM, nêu một thực tế không ít doanh nghiệp vì quên đăng ký sở hữu trí tuệ nên khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng không có cơ sở để xử lý. "Doanh nghiệp phải là trung tâm trong công việc chống hàng giả. Cụ thể, doanh nghiệp phải công bố hàng bị làm giả, cũng như phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý" - ông Khuê nhấn mạnh.
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/doanh-nghiep-than-kho-vi-hang-gia-a12273.html