Doanh nghiệp khát đất, ruộng đồng bỏ hoang, ngóng chính sách tích tụ đất đai

Bất cập đang diễn ra trong ngành nông nghiệp khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại có nhu cầu diện tích quy mô lớn, tập trung để sản xuất hàng hóa nhưng không có, trong khi hàng nghìn hecta đất ruộng lại bị người dân bỏ hoang. Lý do là các quy định về tích tụ ruộng đất hiện nay có quá nhiều vướng mắc.

Bất cập đang diễn ra trong ngành nông nghiệp khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, chủ trang trại có nhu cầu diện tích quy mô lớn, tập trung để sản xuất hàng hóa nhưng không có, trong khi hàng nghìn hecta đất ruộng lại bị người dân bỏ hoang. Lý do là các quy định về tích tụ ruộng đất hiện nay có quá nhiều vướng mắc.
a
IPSARD lấy ý kiến góp ý về sửa đổi một số Nghị định về đất đai

Biến đất đai thành hàng hóa

Theo TS. Hoàng Vũ Quang, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT (IPSARD), đất đai đang là rào cản phát triển kinh tế nông nghiệp. Hơn 70% diện tích mảnh ruộng ở Việt Nam có diện tích dưới 0,5ha. Trong điều kiện nước ta hội nhập ngày càng sâu, các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ, các hàng rào phi thuế quan dựng lên ngày càng nhiêu, yêu cầu sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn để dễ dàng áp dụng công nghệ, áp dụng truy xuất nguồn gốc… trở nên gay gắt. Làm sao để tích tụ, chuyển đổi đất đai, biến đất đai thành nguồn lực phát triển là câu hỏi lớn.   

Khảo sát của Ipsard dưới sự tài trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam” vừa công bố cho thấy, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là nhu cầu của thị trường, song lại đang gặp rất nhiều rào cản.

Rào cản, vướng mắc lớn nhất là chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân với doanh nghiệp, nguyên nhân là khung gia đất không còn phù hợp với giá thị trường, thiếu hồ sơ đất, phải xin ý kiến nhiều ban ngành cho dự án đầu tư dù đã được phê duyệt trong vùng đầu tư, chi phí cao…  Việc doanh nghiệp thuê đất trực tiếp của người dân rất khó khăn do chi phí giao dịch cao, rủi ro lớn cho cả 2 bên, cần hỗ trợ từ Nhà nước.

Thời gian qua, một số địa phương đã có hình thức mới: Nhà nước thuê đất của dân, sau đó cho doanh nghiệp thuê lại (Hà Nam). Tuy nhiên, hình thức này thiếu sự bảo đảm của hành lang pháp lý, rủi ro cao nếu DN không thực hiện hợp đồng.

Hành lang pháp lý chưa đầy đủ cũng là lý do khiến đất nông nghiệp manh mún, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hoạt động dồn điền đổi thửa diễn ra kém sôi động.  IPSARD cho rằng, các chính sách cần điều chỉnh theo hướng bỏ hạn điền , giới hạn đối tượng giao dịch. Bên cạnh đó, cần có cơ sở dữ liệu, thông tin hồ sơ đất đai rõ ràng. Đồng thời, phải điều chỉnh vấn đề định giá đất, thủ tục giao dịch, thẩm định, xử lý vấn đề đất bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, gắn với thu hút đầu tư vào nông nghiệp…   

Sớm ban hành Nghị định về tích tụ đất đai

Liên quan đến sửa đổi chính sách tích tụ ruộng đất, bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, trong khi chờ đợi sửa Luật Đất đai 2013, Chính phủ đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định về vấn đề tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp cũng như sửa ba nghị định liên quan khác đến Luật Đất đai 2013. 

Theo dự thảo Nghị định về vấn đề tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp, có 5 phương thức tập trung, tích tụ đất nông nghiệp:  Dồn điền, đổi thửa; Thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp; Liên kết, hợp tác để tổ chức sản xuất nông nghiệp; Nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp; Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Tiêu chí xác định nhà đầu tư tham gia tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất nông nghiệp đối với với hộ gia đình, cá nhân là: Quy mô từ 02 ha đến không quá hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân và phải có phương án sản xuất, kinh doanh từ 03 năm trở lên. Đối với tổ chức kinh tế, quy mô diện tích gấp từ 20 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định trở lên và có dự án đầu tư dài hạn từ 05 năm trở lên, có phương án phục hồi đất nông nghiệp sau khi kết thúc dự án.

Nghị định cũng quy định cơ chế, chính sách khuyến khích tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Theo đó, Chính phủ sẽ cho phép nhà đầu tư được chuyển mục đích một phần diện tích đất nông nghiệp, nhưng không quá 5% tổng diện tích thực hiện dự án để xây dựng công trình hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp theo dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, phê duyệt và tối đa không quá 5000m2. UBND cấp huyện, cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp sau đó cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp.

Dự thảo Nghị định cũng quy định, Nhà đầu tư ứng tiền trước tiền thuê đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã trả cho người nông dân. Ngân sách Trung ương  hỗ trợ địa phương xây dựng quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. UBND cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua mức kinh phí đầu tư, hỗ trợ cho việc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp. Chính phủ hỗ trợ tín dụng đối với doanh nghiệp trong nước thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp tập trung (Nghị định 57/2018/NĐ-CP)...

Ông Phan Duy Thiều, Phó phòng kế hoạch tài chính, Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết, việc dồn điền đổi thửa được tỉnh tiến hành từ năm 2002 song quá trình thực hiện gặp nhiều vướng mắc. Tại Nghệ An, ngoài đất lâm trường Nhà nước có thể can thiệp, hỗ trợ để giao cho doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp quy mô lớn, còn đất đai nhỏ lẻ của người dân rất khó tích tụ.

“Hiện nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhưng không có đất, hợp tác với người dân hiện nay khá rủi ro vì nếu giá cả biến động, người dân lại phá hợp đồng. Vì vậy, việc ban hành nghị định về tích tụ đất đai là rất cần thiết để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp”, ông Thiều cho hay.    

Thùy Liên - Theo baodautu.vn
https://baodautu.vn/doanh-nghiep-khat-dat-ruong-dong-bo-hoang-ngong-chinh-sach-tich-tu-dat-dai-d111783.html

 

Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/doanh-nghiep-khat-dat-ruong-dong-bo-hoang-ngong-chinh-sach-tich-tu-dat-dai-a12246.html