Hiện tại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Đất đai bao gồm Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.

Quy định làm khó doanh nghiệp

Theo đó, Dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở yêu cầu doanh nghiệp sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ sau đây: Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư; Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500; giấy phép xây dựng (nếu có); giấy tờ xác nhận của cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng về việc đầu tư xây dựng về việc tuân thủ theo quy hoạch xây dựng chi tiết và giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Góp ý về quy định này PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định khi thẩm định hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan nhà nước đã đồng thời thẩm định tính pháp lý của việc quy hoạch, đầu tư xây dựng và giấy phép xây dựng của nhà đầu tư trong quá trình xây dựng.

PGS TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

PGS. TS Doãn Hồng Nhung, Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Do đó, bà Nhung cho rằng việc xác minh lại sẽ dẫn đến kéo dài thời gian, phát sinh thêm chi phí cũng như cồng kềnh về mặt thủ tục, gây khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.

Đồng thời, theo bà Nhung việc yêu cầu bổ sung thêm “giấy tờ xác nhận” sẽ hình thành thêm loại giấy phép con khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho người dân, cho doanh nghiệp. Khi kết thúc dự án thì các cơ quan Nhà nước phải thực hiện việc nghiệm thu, chấp thuận các công việc của dự án theo từng khía cạnh lĩnh vực khác nhau.

Do đó, để đủ điều kiện thì Chủ đầu tư phải có đủ bản nghiệm thu, chấp thuận của các cơ quan tương ứng với loại dự án xây dựng và Chủ đầu tư phải xuất trình đủ những loại giấy tờ này”, bà Nhung khẳng định.

Phải loại bỏ nhiều giấy phép làm khó doanh nghiệp

Theo quan điểm của bà Nhung nên chăng chúng ta cần loại bỏ “giấy tờ xác nhận văn bản nghiệm thu, chấp thuận của cơ quan quản lý quy hoạch, xây dựng về việc đầu tư xây dựng về việc tuân thủ theo quy hoạch xây dựng chi tiết và giấy phép xây dựng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Thực tiễn cho thấy, vấn đề lớn hiện nay là chủ đầu tư có vi phạm trật tự xây dựng hoặc những vi phạm khác và không thực hiện việc đề nghị cấp Giấy chứng nhận cho người dân mua căn hộ. Người dân mua căn hộ thì không đủ điều kiện về hồ sơ, giấy tờ và khó thực hiện được vì chủ đầu tư có vi phạm trong dự án.

Như vậy, đang có tình trạng vi phạm của Chủ đầu tư nhưng người dân mua nhà trả đủ tiền rồi thì không được cấp Giấy chứng nhận. Việc sai phạm rõ ràng là sai phạm của chủ đầu tư nhưng người dân phải gánh chịu”, bà Nhung lập luận.

Theo quan điểm của bà Nhung bên cạnh những chủ đầu tư nghiêm túc, thì có những người cố ý vi phạm, vì hiện tượng này đang có trên thực tế, nên cần có giải pháp từ phía cơ quan Nhà nước để tháo gỡ khó khăn này cho người dân mua nhà cần được bảo đảm của Nhà nước trong việc được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Đặc biêt là những rủi ro cho người mua nhà trong giao kết và thực hiện hợp đồng theo mẫu trong thực tiễn hiện nay.

https://enternews.vn/du-thao-nghi-dinh-huong-dan-thi-hanh-luat-dat-dai-tao-giay-phep-con-162115.html