Theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa), nước sạch là loại sản phẩm hàng hóa đặc biệt phục vụ nhu cầu thiết yếu và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, cung cấp nước sạch phải chịu sự kiểm soát của Nhà nước nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong cấp nước sạch cho người dân và cũng đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các đơn vị kinh doanh nước sạch.
Theo ĐB, điều này càng cần thiết sau vụ nước sạch sông Đà bị “đầu độc”, gây ảnh hưởng đến hàng triệu người dùng.
“Nếu ai đã từng ở Hà Nội vào những năm 70 - 80, thấy cảnh người dân xếp hàng rồng rắn chờ lấy nước, đi tắm nhờ, giặt nhờ ở các khu công cộng, hoặc ở nhà người thân thì sẽ rất bất bình khi thấy lại cảnh này được lặp lại ở Thủ đô ở thế kỷ XXI, khi mà điều kiện sống, điều kiện phát triển kinh tế đã tiến xa”, ĐB Thu nhận định, và đề nghị Nhà nước quản lý chặt và đưa nước vào ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.
Cũng theo ĐB đoàn Khánh Hòa, nhiều quy định liên quan đến quản lý doanh nghiệp sau cổ phần hóa đối với ngành có tính chất đặc thù như cấp nước chưa được ban hành. Các quy định ràng buộc trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các đơn vị cấp nước trong đảm bảo an ninh và cấp nước an toàn cũng chưa chặt chẽ, đặc biệt việc ứng phó, giải quyết kịp thời các sự cố.
Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh cấp nước cũng còn hạn chế và điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sức khỏe của cộng đồng, khiến cuộc sống của người dân trở nên bất an. ĐB đề nghị rà soát kỹ danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, danh mục cấm đầu tư kinh doanh, đặc biệt các ngành, nghề đầu tư kinh doanh liên quan đến sức khỏe con người, đến an ninh trật tự xã hội.
Đề cập đến các ngành, nghề phải hạn chế chuyển nhượng, có những lĩnh vực cần hạn chế người nước ngoài sở hữu, ĐB Trương Trọng Nghĩa ví dụ vấn đề kinh doanh nước sạch.
“Ở những đô thị lớn, đây là vấn đề an ninh rất hệ trọng. Liệu chúng ta có nên đưa vào kinh doanh có điều kiện, và một trong những điều kiện đó là không cho chuyển nhượng ra bên ngoài Việt Nam? Hay về bất động sản, vấn đề Biển Đông, mỗi ngành, nghề có một loại điều kiện thích hợp, cho nên khi nghĩ ra và ban hành các điều kiện đó, Chính phủ phải tính, trong đó có tính toán về vấn đề an ninh, quốc phòng”, ông Nghĩa cho hay.
Ông Nghĩa lấy ví dụ một nhà máy nước cung cấp cho mấy triệu dân nhưng chúng ta có biết ai làm chủ không? Nếu theo luật hiện nay một nhà đầu tư nước ngoài làm chủ 30%, có thể đến 50 - 60%, nhưng nếu họ chuyển nhượng cho anh B, anh B lại chuyển nhượng cho anh C, khi tìm hiểu về nhà đầu tư đó lại là một công ty đăng ký ở đảo British Virgin Island. Đây là “thiên đường thuế”, nó là một công ty có khi vốn chỉ 5.000-10.000 USD, bởi vì đây là vốn điều lệ.
“Nếu là vấn đề an ninh chúng ta cần phải cảnh giác và đề phòng những quốc gia có ý đồ xấu hay những thế lực khủng bố có ý đồ xấu nắm cái đó (kinh doanh nước sạch - PV) để gây ra những hành vi phạm pháp”, ĐB Nghĩa lưu ý.
Cùng mối quan tâm đến việc chuyển nhượng dự án đầu tư, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị có cơ chế kiểm soát, tránh tình trạng “tay không bắt giặc”, các dự án chạy lòng vòng. Tán thành với các ĐB nói đến nước sạch, ông Nhưỡng cho biết, đã nhận được thông tin có 5 nhà đầu tư người Thái nắm quyền kiểm soát, vừa tham gia Hội đồng quản trị, vừa tham gia Ban kiểm soát nhà máy nước sông Đuống.
“Cần xem nhà đầu tư có phải làm dự án kinh doanh, phục vụ nhân dân theo đúng tư cách của nhà kinh doanh không, hay chỉ để tìm kiếm lợi nhuận, sau đó dồn lại rủi ro cho người khác, đặc biệt rủi ro có thể đến với nhân dân hay không?”, ông Nhưỡng nêu.
“Nếu là vấn đề an ninh chúng ta cần phải cảnh giác và đề phòng những quốc gia có ý đồ xấu hay những thế lực khủng bố có ý đồ xấu nắm cái đó (kinh doanh nước sạch - PV) để gây ra những hành vi phạm pháp”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/khong-de-tinh-trang-tay-khong-bat-giac-voi-du-an-nuoc-sach-1488860.tpo