Cách đây mấy năm, một buổi chiều đi làm về tôi gặp hai người họ loay hoay tìm chỗ tránh mưa. Cô gái ngồi trên xe lăn, người con trai bị mù tìm chỗ có mái hiên để đẩy xe lăn của cô gái vào, còn anh đứng nửa trong nửa ngoài, bị mưa tạt ướt.
Nhiều lần tôi cố ý vòng qua để gửi họ ít tiền hay mua giúp tờ vé số, nên biết họ đã quen nhau mấy năm rồi sống chung.
"Lửa vàng" thử được lửa hương vợ chồng?
Đều không có gia đình nên họ nương tựa vào nhau và yêu thương, chăm sóc nhau như một đôi vợ chồng thực sự. Người con trai tuy mù nhưng rất tháo vát và nhanh nhẹn, anh có thể làm được nhiều việc như giao báo, khuân vác cho vài mối quen gần đó hoặc đi mua đồ giùm mấy tiểu thương trong chợ để kiếm thêm chút đỉnh.
Một dạo tôi vẫn đi qua nhưng không thấy họ ở đó nữa.
Rồi rất lâu sau, một bữa tôi thấy anh đang khiêng cái bao tải từ một tiệm tạp hóa vào con hẻm nhỏ, ở một ngã tư cách xa cái ngã tư cũ gần 10 cây số.
Tôi hỏi anh về cô gái, anh buồn thiu trả lời: "Cổ đi lấy chồng rồi chị’’. Anh kể, người ta tuy cũng tật nguyền nhưng có cha mẹ, nhà cửa đàng hoàng".
Khi tôi hỏi "Anh có trách cổ không?", anh không suy nghĩ lấy một giây: "Không, tui buồn và suy sụp nhiều lắm, nhưng không trách gì cổ hết".
Tôi đã nghĩ rất nhiều về cô gái đó. Cô đến với người thứ nhất vì cái gì? Và với người thứ hai, vì cái gì? Phải chăng, với cả hai người đàn ông đó, cô đều yêu chân thành... nhưng tình yêu thứ nhất thì vô điều kiện, còn cái thứ hai thì có? Có thể, tình yêu cô dành cho anh rất lớn, mặc dù nó không đủ lớn để cưỡng lại những mong muốn vật chất.
Tôi từng nghe có người hùng hồn phát biểu: Những đứa con gái cho rằng thà ngồi trên chiếc xe đạp với người mình yêu vẫn hạnh phúc hơn ngồi trên xe hơi với người mình không yêu... là những đứa ngu! Bởi, cố lấy bằng được người mình yêu để rồi phải đối mặt với sự thiếu thốn, cơm áo giằng xé, thu nhập bấp bênh... thì có còn là hạnh phúc không?
Rồi sẽ đến lúc cảm thấy hối tiếc, trách móc nhau, thậm chí vung tay lên với người mà mình từng nói yêu thương và hứa sẽ không bao giờ làm tổn thương. Và sau đó: ly thân, ly hôn. Hậu ly hôn: một vết thương khó lành, một thất bại không gì lấp đầy, gia đình và tài sản ly tán, nỗi đau "chim ngã sợ cành cong".
Thế thì, những gì đẹp đẽ, hay ho trước đó (hẹn hò, yêu đương, vượt qua mọi thử thách để lấy nhau cho kỳ được, một đám cưới ngập tràn hạnh phúc) có còn ý nghĩa nữa không? Hay lúc đứng trước tòa cũng lớn tiếng kể tội và công kích nhau, tính với nhau từng chút tài sản, giành giật những đứa trẻ hoặc có khi đùn đẩy nhau trách nhiệm nuôi nấng đứa con chung - kết quả của tình yêu? Mới thấy thấm thía vị đắng của cái nghèo.
Là - vui - trong - hiện - tại
Tôi lại nhớ đến đôi vợ chồng mù ở Long An. Căn nhà của họ nằm heo hút giữa đồng, thiếu thốn trăm bề. Cậu con trai khôi ngô giống cha như tạc và học giỏi nhiều năm liền. Họ canh tác khoảnh ruộng nhỏ từ công sức tích cóp bao năm bán vé số và đấm bóp dạo. Họ nghèo mà hạnh phúc vô cùng.
Tôi nhớ mãi câu nói của người vợ mù: "Chị bằng lòng với những gì mình có. Giờ nếu có ông tiên hiện ra cho điều ước được sáng mắt và có thiệt nhiều tiền chị cũng không ham. Bao người lành lặn, giàu có mà đã hạnh phúc đâu".
Hỏi người chồng có mơ ước gì, anh cũng bộc bạch chẳng muốn gì ngoài hạnh phúc hiện tại. Gian bếp củi khói ám đen mái lá nhưng nồi niêu chén đũa thì sạch boong. Bữa cơm chiều nhà họ chỉ có dĩa rau dại và mẻ cá hủn hỉn kho mặn nhưng tiếng cười vang đồng vắng.
Hạnh phúc với họ là cả ngày dang nắng dầm mưa để có được những bữa cơm vừa đủ no... và cùng chuẩn bị cho ngày mới chật chội những lo toan.
Tôi lại nhớ ông bà cụ ngày ngày nhặt trứng gà trên khoảnh sân nhỏ chất đầy rơm và mọc đầy hoa. Mỗi sáng, trưa, chiều... trong suốt hơn 60 năm họ vẫn cùng ngồi ăn cơm nơi bộ bàn ghế bằng gỗ tạp tự tay ông đóng, dưới giàn hoa giấy trước hiên. Từ khi các con còn nhỏ xíu cho đến lúc từng người rời nhà lập nghiệp, chỉ còn lại hai vợ chồng với nhau.
Hỏi ông bà hạnh phúc là gì, ông cười híp mắt: "Là vui trong hiện tại, đơn giản thế thôi".