Bảng giá đất được xây dựng định kỳ 05 năm một lần và công bố công khai vào ngày 01 tháng 01 của năm đầu kỳ.
Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi Chính phủ điều chỉnh khung giá đất hoặc giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp.
Trước khi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua bảng giá đất ít nhất 60 ngày, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi dự thảo bảng giá đất đến cơ quan có chức năng xây dựng khung giá đất xem xét, trường hợp có chênh lệch lớn về giá đất giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bảng giá đất được áp dụng để tính tiền sử dụng đất, phí và lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai, tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, tiền bồi thường, giá trị sử dụng đất…
Hiện tại nhiều tỉnh, thành phố đang xây dựng dự thảo bảng giá đất mới (giai đoạn 2020 – 2024), cho thấy mức tăng giá đất rất cao ở nhiều địa phương. Điều này cũng dễ hiểu khi thị trường nhà đất ở nhiều đô thị phát triển mạnh trong những năm qua khiến mặt bằng giá đất bị đẩy lên rất cao, và cũng phù hợp với tiêu chí Bảng giá đất hàng năm được xây dựng sát với giá thị trường.
Hà Nội tăng trung bình từ 15-30%
Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, tại Bảng giá đất mới (áp dụng cho giai đoạn 2020 – 2024), thành phố đề xuất tăng bình quân 15-30% giá các loại đất sau khi lấy ý kiến góp ý vào tờ trình ban hành giá các loại đất trên địa bàn thành phố áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến 31-12-2024.
Tp.HCM đang xây dựng 3 phương án khung giá đất mới
Phương án 1: Giữ nguyên mức giá tối thiểu; tăng khoảng gấp đôi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.
Theo HoREA, với phương này giá đất tối đa trong Bảng giá đất có thể là: Giá đất ở tối đa 429 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 338 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 260 triệu đồng/m2.
Phương án 1 có mức giá quá cao, không phù hợp với giá thị trường trong điều kiện bình thường, sẽ tác động đẩy giá thị trường bất động sản lên cao.
Phương án 2: Giữ nguyên mức giá tối thiểu; tăng khoảng gấp rưỡi mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.
Theo đó, giá đất tối đa trong Bảng giá đất có thể là: Giá đất ở tối đa 319,8 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 253,5 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 192,4 triệu đồng/m2.
Phương án 3, giữ nguyên mức giá tối thiểu; tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.
Theo đó, giá đất tối đa trong Bảng giá đất có thể là: Giá đất ở tối đa 280 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 223,9 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 167,9 triệu đồng/m2.
Sau khi đưa ra 3 phương án xây dựng khung giá đất mới tại TP HCM thì Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng Phương án 2 có mức giá hợp lí nhất.
Bình Dương tăng bình quân 45 - 95%
Ngày 31-10, UBND tỉnh Bình Dương cho biết vừa công bố dự thảo để lấy ý kiến góp ý của người dân về bảng giá các loại đất giai đoạn sau năm 2020.
Đáng lưu ý, theo dự thảo, bảng giá đất tại tỉnh Bình Dương sẽ tăng mạnh, dự kiến tăng tối thiểu 45% so với hiện nay. Một số khu vực sẽ tăng mạnh như Thủ Dầu Một trung bình 50%, Thuận An và Dĩ An trung bình 95%, Bến Cát và Tân Uyên trung bình 60%, Bàu Vàng và Bắc Tân Uyên bình quân 80%.
Theo đánh giá của Sở TN&MT, bảng giá đất ở tại Bình Dương hiện nay chỉ bằng 50% giá phổ biến trên thị trường, còn bảng giá đất nông nghiệp chỉ bằng từ 15-40% giá phổ biến trên thị trường.
Nhiều địa phương khác cũng dự kiến có mức thay đổi gấp nhiều lần so với bảng giá đất cũ.
Chẳng hạn như, Đồng Nai sẽ xây dựng bảng giá đất 5 năm giai đoạn 2020 - 2024, trong đó các khu vực giáp ranh tỉnh, thành khác chỉ chênh lệch giá thị trường khoảng 30%. Giá đất tại một số nơi như Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP Biên Hoà, TP Long Khánh biến động cao, lên đến trên 10 lần.
Giá đất tại một số địa bàn tỉnh Quảng Ninh tăng lên tới 5 lần so với bảng giá cũ… với các dự án bất động sản nhà ở, tiền đất thường chiếm 10 - 14% giá thành.
Theo HoREA khung giá đất, bảng giá đất tác động trực tiếp đến giá cả thị trường bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở.
Do giá cả được hình thành theo quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh, quan hệ cung - cầu và phụ thuộc vào tâm thế thị trường (kể cả tâm lý đám đông, bầy đàn), tâm thế của các chủ thể giao dịch tại thời điểm giao dịch. Bởi vậy, giá cả thị trường luôn là một biến số.
Khi bảng giá đất tăng tăng có thể sẽ kéo theo chi phí các ngành liên quan cũng tăng lên. Nhiều lo ngại điều này có thể khiến một bộ phận khách hàng không còn đủ khả năng tài chính để mua nhà. Do vậy, có thể dẫn đến sụt giảm lượng giao dịch trên thị trường bất động sản.
http://toquoc.vn/gia-dat-tai-ha-noi-tphcmva-nhieu-tinh-thanh-khac-du-kien-tang-manh-co-noi-gap-nhieu-lan-bang-gia-dat-cu-20191116101348598.htm