Pharbaco và Vivaso “xé lẻ” đất vàng

23/10/2020 17:30

Sau cổ phần hóa, tài sản nhà nước tại Pharbaco và Vivaso bị thất thoát khi hàng chục nghìn mét vuông đất vàng được doanh nghiệp “xé lẻ” từng mảnh để cho thuê hoặc mang đi góp vốn.

 Sau cổ phần hóa, tài sản nhà nước tại Pharbaco và Vivaso bị thất thoát khi hàng chục nghìn mét vuông đất vàng được doanh nghiệp “xé lẻ” từng mảnh để cho thuê hoặc mang đi góp vốn.

[caption id="attachment_56026" align="aligncenter" width="626"] Pharbaco thuê đất của Nhà nước để sản xuất - kinh doanh dược phẩm nhưng cho nhiều đơn vị thuê lại một phần diện tích.[/caption]

Sử dụng đất sai mục đích

9h40 sáng ngày 8/10/2020, tại địa chỉ 160 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội vang tiếng trống trường, các học sinh ùa ra khỏi lớp, nhóm họp trò chuyện, nô đùa, chơi thể thao...

Cảnh tượng quen thuộc này diễn ra ngay tại nơi đặt trụ sở Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương 1 (viết tắt là Pharbaco, đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán PBC). Diện tích đất 15.106,4 m2 được UBND TP Hà Nội giao cho Công ty thuê để sản xuất - kinh doanh dược phẩm và trả tiền theo kỳ (đất thuê ngắn hạn), nhưng nhiều năm nay được doanh nghiệp cho các đơn vị khác thuê lại.

Pharbaco phân khối nhà ở mặt đường Phan Văn Trị (giáp đường Tôn Đức Thắng) để làm văn phòng tầng 2. Tại tầng 1 có Trường cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội và phòng khám răng, tầng 3 là Trường THPT Văn Lang.

Trong vai người có nhu cầu kinh doanh, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán liên hệ với Phòng Hành chính Pharbaco, một cán bộ tại đây cho biết, Công ty vẫn còn mặt bằng cho thuê ở đường Phan Văn Trị, nhưng diện tích nhỏ (khoảng 50 - 60 m2), giá thuê khoảng 400.000 đồng/m2, nếu thuê tầng 2 thì giá thuê khoảng 250.000 đồng/m2.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Pharbaco, Công ty liên kết với Công ty cổ phần Bệnh viện Trung ương 1 - Pharbaco chuyên kinh doanh phòng khám đa khoa, chuyên khoa và nha khoa. Tại khoản “phải trả khác”, doanh nghiệp ghi nhận ký quỹ, ký cược dài hạn với Trường THPT Văn Lang, Trường cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội và các đối tượng khác là hơn 3 tỷ đồng.

"Chia năm xẻ bảy"

Đất vàng trên phố Bạch Đằng, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng bị “chia năm xẻ bảy”.

Trên con phố này có trụ sở của Cảng Hà Nội thuộc Tổng công ty Vận tải thủy (viết tắt là Vivaso), trước đây có số 78 nay đổi thành số 838. Trụ sở Vivaso cũng ở đây, sau khi được chuyển từ địa chỉ cũ là 158 Nguyễn Văn Cừ, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội.

Cảng Hà Nội vốn là nơi trung chuyển đường thủy nhưng từ nhiều năm nay mọc lên san sát các kiot cho thuê trụ sở, kho bãi và dãy nhà biệt thự kiên cố.

Nguồn gốc dãy nhà trên là do Cảng Hà Nội - đại diện cho Vivaso liên kết với Công ty cổ phần Dịch vụ và Dạy nghề Thái Dương để xây dựng dịch vụ du lịch sông Hồng vào năm 2007. Vivaso góp đất, còn đối tác góp tiền.

Cảng Hà Nội đã bàn giao 20.477 m2 đất, trong đó có 11.049 m2 đất lưu không nằm ngoài diện tích cảng. Khi triển khai dự án, các bên đã giao 10.403 m2 đất cho Công ty TNHH Sao Nam Sông Hồng (doanh nghiệp được thành lập sau liên kết) xây dựng tiểu dự án Khu dịch vụ du lịch thể thao và giải trí.

Bóng dáng những đội tàu của Cảng Hà Nội một thời lừng lẫy của ngành vận tải đường thủy hiện tại hoàn toàn biến mất, chỉ còn những chiếc xe tải thuê chạy suốt đêm ngày.

Được biết, Pharbaco và Vivaso ký hợp đồng thuê đất hàng năm với Nhà nước. Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, tổ chức kinh tế được Nhà nước cho thuê đất được quyền sử dụng và thế chấp, cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất, nhưng đất thuê hàng năm thì không được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh.

Hệ lụy sai phạm

Từ năm 2016, các đoàn thanh tra của Sở Xây dựng Hà Nội đã phối hợp cùng Công an TP Hà Nội, UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Thanh Lương lập đoàn kiểm tra các công trình xây dựng trái phép tại khu vực Cảng Hà Nội và xác định 10 công trình được Sao Nam Sông Hồng xây dựng, cải tạo nâng cấp. Ngoài ra, Cảng Hà Nội còn thống kê có 6 hạng mục khác như nhà kho, nhà xây bê tông…

Cảng Hà Nội và đối tác đã vướng vào tranh chấp từ nhiều năm nay do Sao Nam Sông Hồng xây dựng 10 công trình nhưng chỉ có 1 công trình được phê duyệt.

Vào tháng 8/2020, Tòa án nhân dân TP Hà Nội có phán quyết phúc thẩm, tuyên bố hợp đồng hợp tác kinh doanh là vô hiệu toàn bộ. Cảng Hà Nội chịu 70% thiệt hại và Sao Nam Sông Hồng là 30%.

Theo đó, giá trị thiệt hại của Vivaso là 20,5 tỷ đồng. Sau khi đối trừ số tiền đã bỏ ra, Sao Nam Sông Hồng còn phải trả 4,3 tỷ đồng.

Sau nhiều năm trầy trật đòi đất, theo quyết định của tòa án, Vivaso cũng được nhận lại diện tích đất trên, nhưng trước mắt cần phải giải quyết hậu quả. Cụ thể, Sao Nam Sông Hồng phải di dời công trình hoặc dỡ bỏ. Tuy nhiên, ghi nhận đến cuối tuần qua, các công trình sai phạm chưa bị dỡ bỏ.

Thất thoát vốn nhà nước

Pharbaco từng được biết đến là đơn vị sản xuất lớn của Bộ Y tế, nhưng sau cổ phần hóa, tỷ lệ vốn nhà nước bị teo tóp. Doanh nghiệp dần rơi vào tay tư nhân, mặc dù Nhà nước không bán ra cổ phần nào.

Pharbaco thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN), chuyên sản xuất thuốc kháng sinh nhóm Betalactam và Non-Betalactam.

Năm 2007, Pharbaco cổ phần hóa, DVN sở hữu 77,8% vốn điều lệ và duy trì tỷ lệ này đến năm 2015. 5 năm sau đó, Pharbaco phát hành các đợt chào bán cổ phần riêng lẻ để tăng vốn điều lệ vào năm 2016, 2017 và mới đây nhất là phát hành riêng lẻ để hoán đổi công nợ, tăng vốn lên 900 tỷ đồng, khiến tỷ lệ sở hữu của DVN giảm còn 6,33%.

Còn Vivaso tiền thân là Tổng công ty Đường sông miền Bắc, chuyên kinh doanh vận tải và dịch vụ, xếp dỡ hàng hóa, bãi dịch vụ cảng sông, bến xe. Công ty có vốn điều lệ 327,7 tỷ đồng, trong đó Nhà nước sở hữu 49%.

Năm 2014, Công ty cổ phần hóa, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước giảm còn 22,42%. Năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải thoái toàn bộ vốn nhà nước với giá khởi điểm 74,3 tỷ đồng và Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường đã trúng đấu giá.

"Vivaso bị thâu tóm bởi công ty tư nhân, Pharbaco cũng dần dần rơi vào tay tư nhân"

Chưa kể thời điểm Vivaso bị thâu tóm bởi công ty tư nhân chuyên hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng giao thông thì việc doanh nghiệp xé lẻ “đất vàng” để góp vốn diễn ra gần 13 năm nay nhưng cổ đông nhà nước vẫn “làm ngơ”.

Tương tự, việc Pharbaco cho thuê đất vàng diễn ra nhiều năm và hiện cổ đông nhà nước đã mất hoàn toàn quyền phủ quyết trong doanh nghiệp. Tài sản nhà nước bị buông lỏng quản lý, thất thoát vốn trong nhiều năm.

Chỉ tính trong vụ kiện của Vivaso thì Sao Nam Sông Hồng đã nợ tiền vật tư và tiền thuê đất nhà nước hơn 34 tỷ đồng. Trong số các công trình xây dựng trái phép tại Cảng Hà Nội có biệt thự bong tróc sơn, cỏ mọc rậm rạp và không có hoạt động sản xuất - kinh doanh nào diễn ra.

Nhằm làm rõ thực trạng tình hình cho thuê đất, phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã liên hệ với ông Nguyễn Ngọc Quân, Giám đốc

Pharbaco. Ông Quân cho biết, Công ty đã báo cáo đầy đủ với UBND quận Đống Đa. Ông phụ trách và công bố thông tin tài chính nên đề nghị không thông tin về vấn đề đất đai.

Phóng viên nhiều lần gọi đến số điện thoại của ông Đặng Việt Quân, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, song không thấy nhấc máy.

Theo Đỗ Mến/ Báo TNCK

Bạn đang đọc bài viết "Pharbaco và Vivaso “xé lẻ” đất vàng" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.