'NHÂN PHẨM CỦA PHỤ NỮ ĐANG BỊ COI NHẸ'

25/11/2020 20:03

TS Khuất Thu Hồng nhận định mức phạt 200.000 đồng với hành vi quấy rối nơi công cộng cho thấy nhân phẩm và sự an toàn của người phụ nữ chưa nhận được quan tâm đúng mức.

TS Khuất Thu Hồng nhận định mức phạt 200.000 đồng với hành vi quấy rối nơi công cộng cho thấy nhân phẩm và sự an toàn của người phụ nữ chưa nhận được quan tâm đúng mức.

Chị L. không bất ngờ khi người đàn ông ngoại quốc bị phạt 200.000 đồng sau khi vỗ mông chị trong thang máy tòa chung cư ở quận 2, TP.HCM.

Ngay từ khi có ý định tố cáo, chị L. đã biết trước kết quả này khi đọc về những vụ việc tương tự trên báo chí. Chị L. chỉ không ngờ rằng đến một ngày, mình cũng trở thành nạn nhân của hành vi quấy rối và mức phạt "vô lý" này.

"Tôi nghĩ mức phạt này là một trò cười. Nó chỉ làm cho mọi người nhận ra rằng pháp luật của mình ở lĩnh vực này là bất lực", TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), bày tỏ bức xúc về mức xử phạt với hành vi quấy rối nơi công cộng.

Phạt quấy rối chỉ như phạt đái bậy, xả rác

Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định các hành vi như có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội nhận định Nghị định 167 không nhắm vào hành vi quấy rối tình dục và Việt Nam chưa định nghĩa được "quấy rối tình dục" trong pháp luật hình sự. Hiện, khái niệm này mới chỉ được quy định tại Bộ luật Lao động sửa đổi trong quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc (có hiệu lực từ 1/1/2021).

TS Hồng cho rằng mức phạt như hiện nay chẳng những không đủ răn đe mà còn khiến nhiều người cảm thấy nhân phẩm và sự an toàn của phụ nữ đang bị coi nhẹ.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Ảnh: ISDS.)

Theo bà Hồng, Việt Nam chưa có quy định luật pháp nào trực tiếp đề cập đến hành vi quấy rối nơi công cộng. Do đó, nó bị ghép chung vào hành vi vi phạm hành chính khác.

"Quấy rối, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ mà chỉ loanh quanh như đái bậy, xả rác ra đường... cho thấy vấn đề này đã bị bỏ qua", TS Hồng chỉ ra vấn đề và cho rằng nhiều vụ việc tương tự lặp đi, lặp lại trong thời gian qua nhưng mức xử phạt vẫn chỉ trong khoảng 100.000-300.000 đồng cho thấy các vấn đề về quyền phụ nữ đã bị coi nhẹ.

"Bây giờ, một người nước ngoài đến Việt Nam, xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam. Nhưng chúng ta lại không có biện pháp để bảo vệ sự an toàn cho phụ nữ, đến nỗi người ta phải né tránh. Điều đó cho thấy luật pháp hoàn toàn không có nghĩa lý bảo vệ cho người phụ nữ", TS Khuất Thu Hồng cho rằng mức phạt như hiện tại là "khôi hài, nhạo báng".

Bà Hồng đề xuất với hành vi quấy rối, Việt Nam cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính. Bên cạnh việc phạt, cơ quan chức năng cần gửi thư cảnh cáo đến nơi ở, nơi làm việc, hoặc có hình thức ghi vào hồ sơ của người quấy rối để cảnh báo người khác.

Với những người gặp phải trường hợp quấy rối, nữ tiến sĩ cho rằng nạn nhân phải lên tiếng và đưa vụ việc ra ánh sáng dù mức phạt chỉ tối đa là 300.000 đồng. Điều này khiến người có hành vi quấy rối cảm thấy bất an và cũng là để cảnh báo cộng đồng.

Không nên hòa giải

Nói về sự việc, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), chia sẻ dù đã tiếp cận nhiều vụ việc tương tự nhưng bà vẫn rất buồn và sốc.

Theo chuyên gia, nếu không xử lý nghiêm tình trạng này, mối lo ngại Việt Nam là thiên đường cho những kẻ xâm hại tình dục trẻ em và quấy rối tình dục phụ nữ, trẻ em sẽ dần trở thành sự thực. Đó là nhận định mà không ai mong muốn.

Tán đồng với ý kiến của TS Hồng, bà Vân Anh cho rằng cần nhìn nhận hành vi quấy rối như sự xúc phạm nhân phẩm của người khác, chứ không chỉ là hành vi thiếu văn minh. Chuyên gia cho rằng Việt Nam nên có quy định bổ sung để đối xử nghiêm khắc với những hành vi xâm hại, quấy rối nơi công cộng.

Có quan điểm tương tự, bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy Giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), cho biết thêm xu hướng chung của thế giới khuyến cáo rằng với những vụ việc quấy rối, không nên sử dụng cơ chế hòa giải và xử lý hành chính.

[caption id="attachment_58039" align="aligncenter" width="601"] Bà Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm Thúc đẩy Giáo dục và Nâng cao năng lực phụ nữ. Ảnh: CEPEW.[/caption]

"Thường thì thông lệ quốc tế không khuyến khích hòa giải. Đó không phải cơ chế pháp quyền và không phải biện pháp hiệu quả để phòng chống bạo lực giới cũng như quấy rối tình dục. Nó phải là cơ chế qua tòa", bà Hà nhận định.

Theo nữ chuyên gia, một số nước trên thế giới xử lý bằng cách yêu cầu người quấy rối phải học về chống quấy rối tình dục và chống bạo lực giới ở một cơ sở đào tạo. Khi có lệnh của tòa, người đó có thể dùng giấy này để xin nghỉ tại cơ quan và tham gia tập huấn. Sau khi đã hoàn thành, người này sẽ được cấp chứng nhận và khi đó mới được xóa án tích.

Dù nhận định mức xử phạt hiện tại là thấp và không thích đáng, bà Hà cho rằng đó vẫn là một cơ chế để xử lý và nạn nhân nên tận dụng, không nên chấp nhận hòa giải.

"Quan điểm là xử lý theo luật pháp vẫn tốt hơn ném đá cộng đồng. Việc ném đá giống như lấy một biện pháp sai để xử lý một hành vi sai. Dù là người vi phạm, quyền riêng tư của họ cũng nên được bảo đảm", nữ chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Theo Thu Hằng/Zingnews

Bạn đang đọc bài viết "'NHÂN PHẨM CỦA PHỤ NỮ ĐANG BỊ COI NHẸ'" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.