Nhà ở xã hội vẫn khó phát triển

06/06/2020 15:19

Trong khi nguồn cung nhà giá rẻ đang rất khan hiếm, thì nhiều năm nay, hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM lại nằm “bất động” do gặp vướng mắc về pháp lý.

Trong khi nguồn cung nhà giá rẻ đang rất khan hiếm, thì nhiều năm nay, hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM lại nằm “bất động” do gặp vướng mắc về pháp lý.

Khó mua nhà ở xã hội

Sau hơn 10 năm sinh sống và làm việc tại TP.HCM, chị Lan (30 tuổi, quê ở Nghệ An), luôn mong muốn sớm thoát cảnh đi thuê trọ, có trốn an cư tại Sài thành. Tuy nhiên, sau nhiều lần đi tìm mua nhà ở xã hội, đến nay, giấc mơ an cư của chị vẫn chưa thành hiện thực.

Chị Lan cho biết, khoảng đầu năm 2017, chị có nghe loáng thoáng rằng bên quận Thủ Đức có một dự án nhà ở xã hội đang rao bán. Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin thì chị mới biết, đấy là dự án Chương Dương Home do Công ty cổ phần Chương Dương làm chủ đầu tư. Dự án có 5 block căn hộ cao 12 tầng, trong đó có 2 block là căn hộ thương mại và 3 block là nhà ở xã hội.

Lúc này, chị đến trực tiếp văn phòng tư vấn của chủ đầu tư để được hướng dẫn hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục cần thiết để đăng ký mua nhà. Khi các thủ tục khác đã hoàn thiện hết thì chị lại bị vướng ở điều kiện nơi cư trú.

Dự án nhà ở xã hội Haus Belo đang xin chuyển đổi thành nhà ở thương mạ

Bởi theo quy định, người đăng ký mua nhà phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có nhà ở xã hội. Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú (KT3) từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố này. Tuy nhiên, do thường xuyên ở trọ nay đây mai đó, chị không thể có xác nhận của chính quyền địa phương về tình trạng nhà ở, nên ước mơ có một căn nhà tại TP.HCM vẫn chưa thành hiện thực.


Đối với các doanh nghiệp, sứ mệnh của họ vẫn là lợi nhuận. Khi đầu tư một Dự án mà bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định, trong khi lại không chủ động được công tác triển khai, khai thác, nên họ ngại làm là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Home

Đến năm 2020, chị lại nghe ngóng được thông tin là bên quận 9 có dự án nhà ở xã hội Topaz Home 2, chỉ khoảng 700 - 800 triệu đồng/căn 2 phòng ngủ. Tuy nhiên, khi chị tìm đến dự án và hỏi thông tin từ nhân viên môi giới thì nhận được câu trả lời rằng, các căn nhà ở xã hội của dự án đã được bán hết, hiện tại Công ty đang tập trung bán shophouse và căn hộ thương mại.

“Môi giới bảo nếu muốn mua nhà ở xã hội thì phải đóng thêm tiền chênh lệch. Cụ thể, căn 2 phòng ngủ, 1 nhà vệ sinh hiện có giá khoảng 1 tỷ đồng, cao hơn so với thời điểm lúc mới mở bán 300 triệu”, chị Lan nói.

Câu chuyện của chị Lan cũng giống khá nhiều trường hợp khác đang nộp hồ sơ thuê, mua nhà ở xã hội hiện nay. Chưa kể, để tìm kiếm được một dự án nhà ở xã hội trong thời điểm hiện nay đã là điều rất khó.

Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy, nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc trong giai đoạn 2011 -2020 là khoảng 440.000 căn hộ, riêng TP.HCM cần khoảng 134.000 căn.

Nhưng từ năm 2014 đến nay, TP.HCM có 41 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 133 ha, quy mô hơn 41.000 căn hộ. Trong đó, có 14 dự án đã hoàn thành, 9 dự án đang thi công xây dựng, 18 dự án đang thực hiện thủ tục đầu tư.

Vì doanh nghiệp “ngại” đầu tư

Trước sự thiếu hụt trên, TP.HCM đặt mục tiêu triển khai kế hoạch xây dựng thêm 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, dự kiến đến năm 2020 có thể hoàn thành 20.000 căn. Tuy nhiên, mục tiêu này đang khó thành hiện thực khi hàng loạt dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM gặp vướng mắc về pháp lý. Thậm chí, chủ đầu tư dự án đề nghị xin chuyển đổi qua căn hộ thương mại.

Điển hình là dự án Khu trung tâm thương mại dân cư Hưng Điền, tọa lạc tại phường 16, quận 8 (TP.HCM), do Công ty cổ phần Đầu tư Tấn Hưng làm chủ đầu tư.

Tháng 4/2008, trong cuộc họp báo công bố dự án, đại diện chủ đầu tư tuyên bố sau 36 tháng sẽ hoàn thành dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án đã gặp một số khó khăn, Công ty Tấn Hưng đã kiến nghị UBND TP.HCM chấp thuận cho chuyển đổi chức năng đầu tư dự án từ nhà ở xã hội sang nhà ở thương mại.

Hiện tại, khu đất để triển khai dự án vẫn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Hai bên con đường dẫn vào dự án toàn là cỏ và rác. Bên phải nhà của dân với những căn đã bị giải tỏa.

Tương tự, Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn cũng có văn bản kiến nghị về dự án chung cư nhà ở xã hội tại phường An Phú Đông, quận 12. Bởi trong tổng số 308 căn hộ, công ty phải dành tối thiểu 61 căn nhà ở xã hội để cho thuê, được bán tối đa 184 căn hộ với giá không vượt quá 14,5 triệu đồng/m2; được bán kinh doanh thương mại 63 căn hộ.

Tuy nhiên, công ty này tính toán, nếu làm như vậy sẽ bị lỗ gần 15 tỷ đồng. Do đó, Công ty đề xuất Sở Xây dựng TPHCM cho phép chuyển đổi 61 căn hộ nhà ở xã hội cho thuê sang bán giá thương mại để thu hồi vốn và có lãi.

Một dự án khác tại đường Liên Phường, quận 9 cũng đang làm thủ tục chuyển đổi từ nhà ở xã hội thành thương mại là Haus Belo, do Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Minh Sơn làm chủ đầu tư, EZ Land Việt Nam là đơn vị phát triển dự án. Hiện tại, dự án mới chỉ được quây tôn xung quanh mà chưa được triển khai xây dựng, bên trong cỏ mọc um tùm.

Theo UBND quận 9, Công ty Minh Sơn đang đề nghị điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 làm cơ sở để Công ty điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, tăng quy mô dân số đối với lô đất xây dựng chung cư.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Global Home cho biết, nhà ở xã hội là được Nhà nước khuyến khích phát triển, nhưng hiện tại, khi triển khai đầu tư xây dựng thì lại không còn gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng nữa. Do vậy, khi không có cơ chế ưu đãi đặc biệt thì chủ đầu tư nào cũng “ngại” đầu tư nhà ở xã hội.

“Đối với các doanh nghiệp, sứ mệnh của họ vẫn là lợi nhuận. Khi đầu tư một dự án mà bị ràng buộc bởi rất nhiều quy định, trong khi lại không chủ động được công tác triển khai, khai thác, nên họ ngại làm là điều dễ hiểu”, ông Thành nói và cho biết thêm, để khắc phục sự thiếu hụt này thì nên giao việc xây dựng, phát triển nhà ở xã hội cho các đơn vị của nhà nước. Bởi sứ mệnh của các đơn vị nhà nước này là thực hiện việc điều phối thị trường, hoạt động theo tất cả các chính sách và cơ chế của Nhà nước.

Ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty COPiHOME cho biết, để người thu nhập thấp có thể tiếp cận được nhà ở, một trong những đột phá cần thiết lúc này là kéo dài thời gian vay mua nhà lên tới 20 năm để giảm áp lực trả nợ và tăng số tiền khách hàng được vay hoặc cho phép doanh nghiệp ký bảo lãnh với ngân hàng cho người mua nhà đối với dự án doanh nghiệp là chủ đầu tư. Ngoài ra, có thể xem xét, mở rộng đối tượng thu nhập thấp tại các thành phố lớn từ mức dưới 9 triệu đồng hiện nay lên mức dưới 12 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đó, việc đưa ra ưu tiên cho xây dựng nhà ở xã hội phải là những ưu tiên cần thiết và có chế tài bắt buộc để các doanh nghiệp có động lực, có hứng thú. Các ưu đãi đối với việc xây dựng nhà ở xã hội phải đủ lớn mới hút được doanh nghiệp đầu tư.

Việt Dũng (Báo Đầu tư Bất động sản)

 

Bạn đang đọc bài viết "Nhà ở xã hội vẫn khó phát triển" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.