Nguyễn Kim kinh doanh ra sao trước khi về tay người Thái

02/03/2020 18:35

Từng là chuỗi bán lẻ điện máy chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam nhưng Nguyễn Kim đã để mất thị phần khi đối thủ mở rộng nhanh chóng.

Từng là chuỗi bán lẻ điện máy chính hãng đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam nhưng Nguyễn Kim đã để mất thị phần khi đối thủ mở rộng nhanh chóng.

Sau 5 năm giữ 49% cổ phần Nguyễn Kim, Tập đoàn Central Group của Thái Lan thông qua các công ty con đã hoàn tất việc mua lại100% chuỗi điện máy lâu đời bậc nhất Việt Nam.

Giá trị thương vụ mua lại 51% cổ phần của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT, đơn vị sở hữu, vận hành chuỗi Nguyễn Kim được phía Central Retail tiết lộ là 2.600 tỷ đồng.

Với mức giá trên, định giá của chuỗi điện máy Nguyễn Kim với hệ thống 70 cửa hàng vào khoảng 5.100 tỷ đồng, tương đương 220 triệu USD. Mức định giá này bằng khoảng 1/10 con số hơn 2,1 tỷ USD giá trị vốn hóa hiện tại của Tập đoàn Thế giới Di động.

Chuỗi điện máy tiên phong

Cửa hàng đầu tiên của Nguyễn Kim được khai trương vào năm 1996 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1. Đây là nơi đầu tiên ở TP.HCM kinh doanh sản phẩm điện tử, điện máy chính hãng theo mô hình bán lẻ hiện đại.

Gần 20 năm sau đó, Nguyễn Kim tiếp tục giữ vững vị thế tiên phong trên thị trường điện máy. Công ty mở mới nhiều trung tâm mua sắm, lập ra website bán lẻ điện máy đầu tiên ở Việt Nam. Cuối năm 2007, Nguyễn Kim mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội.

Thời điểm 2010, theo khảo sát của đơn vị nghiên cứu thị trường Nielsen, 99% người tiêu dùng bình chọn Nguyễn Kim là nhà bán lẻ hàng điện máy tiêu dùng số 1 tại Việt Nam.

Nguyen Kim kinh doanh ra sao truoc khi ve tay nguoi Thai hinh anh 1 sieuthidienmaytaihanoinguyenkim_1_.jpg
Nguyễn Kim từng một thời là "vua" của thị trường điện máy Việt Nam. Ảnh: NK.

Năm 2015, khi bán 49% cổ phần cho Tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group, Nguyễn Kim có 21 siêu thị điện máy trên cả nước và vẫn dẫn đầu thị trường về thị phần. Thời điểm đó, Nguyễn Kim chiếm 12% thị phần điện máy chính hãng tại Việt Nam, xếp trên Điện Máy Xanh (8%) và Điện Máy Chợ Lớn (7,5%).

Năm 2013, doanh thu của Nguyễn Kim đạt 8.400 tỷ đồng và tăng lên 9.000 tỷ vào 2014. Giai đoạn 2015-2016 doanh thu của công ty ổn định ở mức 9.500 tỷ đồng.

Hụt hơi trước đối thủ

Là người tiên phong trên thị trường điện máy nhưng Nguyễn Kim lại hụt hơi khi Thế giới Di động nhanh chóng mở rộng hoạt động kinh doanh điện máy với thương hiệu mới Điện Máy Xanh được chuyển đổi từ Dienmay.com.

Năm 2016, Điện Máy Xanh tăng tốc độ mở cửa hàng và có 250 siêu thị, vươn lên dẫn đầu thị trường bán lẻ điện máy chính hãng với 16% thị phần. Năm 2017, thị phần của Điện Máy Xanh tiếp tục tăng mạnh lên 30% trong khi tổng thị phần bán lẻ của các chuỗi khác cũng là 30%.

Hiện tại, chuỗi bán lẻ điện máy của Thế giới Di động đã vượt 1.000 cửa hàng và chiếm 38% thị phần sau 9 năm ra đời. Trong khi đó, Nguyễn Kim có 70 siêu thị sau 24 năm hoạt động.

Nguyen Kim kinh doanh ra sao truoc khi ve tay nguoi Thai hinh anh 2 dienmay_zing.png
Đồ họa: Việt Đức.

Với kênh bán hàng online, Nguyễn Kim cũng tỏ ra lép vế khi có số lượt truy cập website trung bình mỗi tháng đạt hơn 3 triệu theo báo cáo của iPrice. Trong khi đó, đối thủ cạnh tranh có lượng truy cập website ổn định 9-10 triệu lượt/tháng.

Năm 2019, Nguyễn Kim hợp tác với FPTShop để khai thác thêm kênh bán hàng thương mại điện tử nhưng đã dừng việc thử nghiệm sau vài tháng.

Trong bản công bố thông tin về thương vụ tmua lại toàn bộ chuỗi điện máy Nguyễn Kim, Central Retail của Thái Lan cho biết trong quý III/2019, công ty mẹ NKT của Nguyễn Kim đóng góp gần 3.300 tỷ đồng doanh thu cho tập đoàn.

Nếu kết quả dinh koanh giữa các quý không chênh lệch lớn, ước tính doanh thu của Nguyễn Kim đạt trên 13.000 tỷ đồng năm qua. Con số này bằng khoảng 22% doanh thu 58.000 tỷ đồng của Điện Máy Xanh.

Các chuỗi bán lẻ điện máy đang gặp thách thức khi thị trường hàng điện tử đã bắt đầu đi xuống với tổng doanh thu năm 2019 là 45.500 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ 2018, theo báo cáo của đơn vị nghiên cứu thị trường GfK. Điểm sáng với các ông lớn là ngành hàng điện lạnh năm qua tăng trưởng 3%, đạt quy mô 39.700 tỷ đồng.

Sau khi hệ thống VinPro của Vingroup giải thể cuối 2019, Nguyễn Kim và Điện Máy Chợ Lớn là hai chuỗi bán lẻ còn lại cạnh tranh cùng Điện Máy Xanh tại khu vực miền nam. Trong khi đó, thị trường phía Bắc phân mảnh hơn với một số nhà bán lẻ khác như MediaMart, Pico, HC.

 
Theo zing.vn

https://news.zing.vn/nguyen-kim-kinh-doanh-ra-sao-truoc-khi-ve-tay-nguoi-thai-post1052538.html

 

Bạn đang đọc bài viết "Nguyễn Kim kinh doanh ra sao trước khi về tay người Thái" tại chuyên mục Thương hiệu. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.