Người dân dễ dàng tra cứu thông tin Covid-19 trên điện thoại di động

19/03/2020 12:04

 Ứng dụng NCOVI do Bộ Y Tế và Bộ TT-TT chỉ đạo xây dựng giúp người dân chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19... với cơ quan y tế; được cung cấp thông tin "cảnh báo khu vực có dịch" được thể hiện bằng những điểm đỏ trên bản đồ.

 Ứng dụng NCOVI do Bộ Y Tế và Bộ TT-TT chỉ đạo xây dựng giúp người dân chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19... với cơ quan y tế; được cung cấp thông tin "cảnh báo khu vực có dịch" được thể hiện bằng những điểm đỏ trên bản đồ.

Ứng dụng NCOVI do Bộ Y Tế và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) chỉ đạo xây dựng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) khác cùng phát triển. Đây có thể xem là sự khởi đầu của việc áp dụng thành quả CNTT trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam.

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin Covid-19 trên điện thoại di động - Ảnh 1.

Hướng dẫn tải ứng dụng về máy điện thoại di động

Đại diện nhà mạng VinaPhone (thành viên của VNPT) cho biết NCOVI là ứng dụng khai báo y tế tự nguyện toàn dân. Ứng dụng này được tạo ra để người dân có thể chủ động khai báo sức khỏe, cung cấp thông tin liên quan đến dịch bệnh Covid-19 với cơ quan y tế. Từ đó, các cơ quan chức năng có thể xác định nguy cơ lây nhiễm, khoanh vùng và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.

Thông tin bao gồm số liệu về các ca nhiễm bệnh, số người tử vong, bình phục của Việt Nam và thế giới.

Đặc biệt, ứng dụng NCOVI còn cung cấp thông tin "cảnh báo khu vực có dịch" được thể hiện bằng những điểm đỏ trên bản đồ. Nhờ vậy, người dùng sẽ biết được khu vực nào đang có dịch, mức độ lây nhiễm tại địa điểm đó và có phương án di chuyển phù hợp.

Covid-19 là một dịch bệnh có diễn biến phức tạp, số liệu và thông tin về dịch luôn thay đổi từng giờ. Bởi vậy, người dùng nên thường xuyên truy cập ứng dụng để nắm bắt thông tin sớm nhất.

Ứng dụng NCOVI còn giúp người dùng cập nhập sức khỏe hàng ngày của bản thân. Qua đó, người dùng sẽ xác định những dấu hiệu bất thường về sức khỏe nếu có và kịp thời thông báo tới cơ quan chức năng để có biện pháp phòng ngừa.

Bên cạnh đó, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh hoặc có những dấu hiệu liên quan đến bệnh (trở về từ vùng dịch, tiếp xúc với người bị bệnh,…), người dùng có thể trực tiếp phản ánh với cơ quan chức năng thông qua ứng dụng hoặc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế 19009095 (tất cả thuê bao của nhà mạng VinaPhone sẽ được miễn cước khi gọi đến đường dây trên).

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin Covid-19 trên điện thoại di động - Ảnh 2.

Để tải ứng dụng NCOVI, người dùng có thể truy cập kho ứng dụng App Store (dành cho hệ điều hành iOS) hoặc Google Play (dành cho hệ điều hành Android) hoặc quét mã QR dưới dây. Sau đó, người dùng mở ứng dụng và điền thông tin cá nhân (họ tên, địa chỉ, số điện thoại,...) để đăng nhập. Tiếp đó, ứng dụng sẽ gửi trả một mã OTP vào số điện thoại đã nhập, người dùng cần nhập mã OTP để xác nhận bắt đầu sử dụng ứng dụng.

Sau khi đăng nhập, người dùng có thể sử dụng ứng dụng để tra cứu thông tin về dịch bệnh Covid-19. Đây là những thông tin chính thống, đáng tin cậy được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước.

Nhằm giúp người dùng sử dụng thuận tiện và nhanh chóng, mới đây, nhà mạng VinaPhone đã thực hiện chính sách miễn phí cước 3G/4G khi truy cập ứng dụng NCOVI (thông tin thêm về ứng dụng NCOVI, người dùng có thể xem tại: https://ncovi.vnpt.vn).

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin Covid-19 trên điện thoại di động - Ảnh 3.

Covid-19: Bệ phóng cho "nền kinh tế tại nhà"

Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, dịch Covid-19 đặt ra thách thức lớn, khi nhiều hoạt động kinh tế sẽ bị đình trệ.

"Nhưng cái gì cũng có 2 mặt, thách thức đi liền với cơ hội, có những cơ hội mà chỉ khi thách thức xảy ra thì mới xuất hiện. Covid-19 giúp chúng ta tư duy lại nhiều thứ. Nhiều giá trị, nhiều thói quen sẽ thay đổi. Cơ hội lớn nhất lúc này là chuyển đổi số quốc gia"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận.

Người đứng đầu Bộ TT-TT nhấn mạnh lại cơ hội lớn nhất lúc này là đẩy nhanh chuyển đổi số, là tạo ra các ứng dụng công nghệ số, là đưa mọi hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số. Công nghệ số giải được bài toán nhanh, phản ứng nhanh, thích ứng nhanh và sáng tạo nhanh. Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội nên đầu tư nhiều hơn, đầu tư mạnh hơn cho công nghệ số. Đây là cơ hội, vì nếu cứ bình thường, Việt Nam sẽ chuyển đổi số rất chậm.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Bộ TT-TT đã trình Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì sẽ ban bố, khởi động triển khai trên toàn quốc. Kiến tạo thể chế, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét, quyết định nhanh một số chính sách còn đang cân nhắc, như thanh toán không tiền mặt, tiền di động (mobile money), công nhận và cấp chứng chỉ học trực tuyến, cấm nhập khẩu công nghệ cũ 2G, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng dẫn ví dụ về việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã nở rộ khi chỉ trong một tháng, chỉ số dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ tăng gấp đôi.

"Tức là một tháng bằng 20 năm!" - Bộ trưởng TT-TT bình luận.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, xu hướng “nền kinh tế tại nhà” có thể không phải là một khái niệm thực sự mới nhưng dịch Covid-19 lại tạo cho “nền kinh tế tại nhà” một bệ phóng mới để thực sự đi vào đời sống, ngay cả khi dịch bệnh qua đi.

Nhiều hoạt động kinh tế trước đây vẫn bị giới hạn bởi thói quen của người dùng nhưng hoàn cảnh của dịch Covid-19 đã và sẽ phá bỏ những thói quen đó. Tuy "nền kinh tế tại nhà" sẽ không thay thế hoàn toàn nền kinh tế truyền thống được, nhưng nếu phát huy được hết tiềm năng của nền kinh tế tại gia thì sẽ giúp xã hội vận hành tối ưu hơn, giảm bớt những căng thẳng về giao thông, sự tốn kém năng lượng cũng như tiết kiệm thời gian di chuyển. Ví dụ, nếu như giáo dục truyền thống vốn đề cao yếu tố cộng đồng, thì giai đoạn hiện nay là cơ hội cho giáo dục số thể hiển những ưu việt.

Cùng với đó là lĩnh vực y tế. Dịch Covid-19 đã và đang cho thấy rất nhiều những ưu điểm từ hình thức khám bệnh từ xa, giúp sáng lọc, giảm thiểu sức ép cho các bệnh viện và cũng làm giảm khả năng lây nhiễm chéo cho bệnh nhân.

Hay tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng, sẽ có nhiều người nhàn rỗi, vì vậy, cần ngay lập tức nghĩ đến một nền tảng số giúp những người này nhanh chóng chuyển đổi kỹ năng, tái tham gia vào thị trường lao động. Chính vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hãy cùng nhau sáng tạo, cung cấp nhiều các dịch vụ trên nền tảng trực tuyến, từ giáo dục, y tế, mua sắm, giải trí...

Bảo Trân - Theo NLĐ

Bạn đang đọc bài viết "Người dân dễ dàng tra cứu thông tin Covid-19 trên điện thoại di động" tại chuyên mục Xe và công nghệ. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.