Kinh doanh bất động sản, ngân hàng được đề nghị giãn thuế, tiền thuê đất

04/04/2020 14:21

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính đã bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động dịch vụ lao động và việc làm, tổ chức tín dụng... vào nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Tại văn bản báo cáo Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính đã bổ sung hoạt động kinh doanh bất động sản, hoạt động dịch vụ lao động và việc làm, tổ chức tín dụng... vào nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Ngày 3/4, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp thu, giải trình ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Theo đó, Bộ Tài chính bổ sung thêm 4 nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với số tiền lên đến 180.000 tỷ đồng.

Các hoạt động kinh doanh được bổ sung gồm: Hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động dịch vụ lao động và việc làm; hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; hoạt động vui chơi giải trí.

Các ngành sản xuất được bổ sung gồm: Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất sản phẩm từ rơm, rạ và vật liệu tết bện; sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy; sản xuất sản phẩm từ plastic; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác; sản xuất kim loại; gia công cơ khí; xử lý và tráng phủ kim loại; sản xuất ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; xây dựng.

Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng bổ sung doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm. Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển được xác định theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP; sản phẩm cơ khí trọng điểm được xác định theo Quyết định số 319/QĐ-TTg năm 2018.

Ngoài ra, Bộ cũng bổ sung thêm một số nhóm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng là doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố danh sách tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tham gia hỗ trợ khách hàng vào danh sách gia hạn.

Dự kiến, với những bổ sung trên, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung cũ đã trình là 80.200 tỷ đồng).

Về trình tự, thủ tục gia hạn, Dự thảo Nghị định quy định rõ, người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn chỉ cần gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định (bằng phương thức điện tử hoặc phương thức khác) theo mẫu ban hành kèm theo Nghị định cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp cùng với thời điểm nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng (hoặc theo quý) theo quy định pháp luật về quản lý thuế và chậm nhất là ngày 30/7/2020. Nếu người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế sau ngày 30/7/2020 thì không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định này.

Trong trường hợp người nộp thuế gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất sau ngày hết hạn nộp Tờ khai thuế giá trị gia tăng theo tháng (hoặc theo quý) thì cơ quan quản lý thuế vẫn thực hiện gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất của các kỳ phát sinh được gia hạn trước thời điểm nộp Giấy đề nghị gia hạn.

Trường hợp người nộp thuế được nhà nước cho thuê đất tại nhiều địa bàn quận, huyện khác nhau thì cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm sao gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất cho cơ quan thuế nơi có đất thuê.

Trước đó, tại Dự thảo Nghị định trình Chính phủ lần 1 (Tờ trình 47/TTr-BTC), Bộ Tài chính đã đề xuất nhóm đối tượng được gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất gồm doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế thuộc: Nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; lâm nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan; khai thác, nuôi trồng thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; dệt; sản xuất trang phục; sản xuất giày, dép... và loại bỏ một số nhóm ngành, đặc biệt là bất động sản, ra khỏi nhóm đối tượng được hỗ trợ, bởi coi đó là ngành phi sản xuất.

Ngay sau đó, Reatimes đã thực hiện tuyến bài khẳng định, bất động sản không phải là ngành phi sản xuất, và thuộc diện được giãn thuế, tiền thuê đất.

Cụ thể, tại bài viết "Những tín đồ “duy ý chí” mới nói bất động sản là ngành phi sản xuất", TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Bất động sản là một trụ cột của nền kinh tế, bên cạnh ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, sản xuất, giao thông vận tải. Tất cả các ngành nghề trụ cột cần được bảo hộ tại thời điểm này. Bất động sản sụp đổ sẽ kéo theo sự sụp đổ của nhiều ngành nghề khác như xây dựng, nguyên vật liệu, dịch vụ… và hàng triệu lực lượng lao động thất nghiệp". 

Bởi vậy, về quan điểm cho rằng bất động sản là nhóm ngành phi sản xuất, TS. Hiếu đánh giá đó là quan điểm của tín đồ “duy ý chí”.

"Nhiều người vẫn còn đang nhầm lẫn rằng, bất động sản là nhà giàu, là các dự án cao cấp, là những nhà cao tầng, nghỉ dưỡng, resort phục vụ cho người giàu. Không phải vậy! Bất động sản liên quan đến rất nhiều thành phần kinh tế, có cả người lao động chân tay, có người lao động tri thức. Bất động sản liên quan tới cả người nghèo và người giàu.

Không có doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ xây nhà ở cho người nghèo. Không có doanh nghiệp bất động sản, ai sẽ tạo ra việc làm cho hàng triệu gia đình. Không có bất động sản, cơ sở hạ tầng thiếu, du lịch sẽ về đâu. Đó là một thị trường rất rộng lớn, liên quan mật thiết với nhau. Nếu bất động sản sụp đổ, sẽ kéo theo sự đi xuống của cả nền kinh tế. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải cứu trợ cho doanh nghiệp bất động sản. Nếu không, kịch bản của nền kinh tế sẽ còn đi xuống", TS. Hiếu khẳng định.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Trí Hiếu, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho hay: "Trong phân nhóm ngành của cơ quan thống kê, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện nay được liệt kê vào ngành dịch vụ. Theo tôi được biết, nhiều ngành dịch vụ cũng đang được xem xét, cân nhắc để giãn, hoãn thuế và tiền thuê đất như: Du lịch và các dịch vụ liên quan, vận tải - kho bãi, giáo dục - đào tạo, các hoạt động dịch vụ gắn với nông - lâm - ngư nghiệp…

Khái niệm ngành “phi sản xuất” bây giờ không còn đúng nữa, vì đó là khái niệm Việt Nam đã áp dụng từ năm 2011, trong bối cảnh chống lạm phát, kiểm soát tín dụng… Và trên thế giới, tôi cũng không thấy người ta gọi ngành này là phi sản xuất. Nên xem ra, lý do này thiếu thuyết phục".

Do đó, TS. Lực cho rằng, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ cho bất động sản là điều công bằng và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. 

Ngày 24/3/2020, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và Tổng Cục thuế đề xuất xin gia hạn nộp thuế để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ứng phó và vượt qua khó khăn trước thách thức của dịch Covid-19.

Cụ thể, công văn đề xuất “giải cứu” doanh nghiệp bất động sản của VNREA tập trung vào việc xin gia hạn nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính gồm các nội dung sau:

Thứ nhất, VNREA đề xuất bổ sung doanh nghiệp bất động sản là đối tượng được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cụ thể các doanh nghiệp bất động sản được giãn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng và tiền thuê đất.

Thứ hai, đề xuất bổ sung thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân vào các sắc thuế được xem xét gia hạn nộp thuế của dự thảo Nghị định của Chính phủ về gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó các doanh nghiệp bất động sản.

Thứ ba, VNREA đề xuất xem xét kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế của các sắc thuế nêu trên cho các doanh nghiệp là 1 năm thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.

 

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Kinh doanh bất động sản, ngân hàng được đề nghị giãn thuế, tiền thuê đất" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.