“Theo tôi được biết các thầy cô giáo trên địa bàn Hà Nội, có một số thông tin phản ánh của cô giáo D.B.T (phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) về việc bà bị Công ty TNHH MTV Quản lý quỹ ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Cty quỹ Vietinbank) đã làm giả các giao dịch nên bà bị dụ dỗ mua hơn 30 tỷ tiền trái phiếu sau đó không thực hiện đúng cam kết.
Thời điểm tháng 10/2021, bà D.B.T được nhân viên Cty quỹ Vietinbank mời chào mua trái phiếu của Cty Quỹ Vietinbank nhưng thực tế trái phiếu của công ty TNHH Đầu tư Central Capital (Cty Central Capital) phát hành ngày 27/5/2021 với mệnh giá 1 tỷ đồng/ 1 trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 11%/ năm.
Do không có nhu cầu đầu tư và nhận thấy khoảng thời gian 3 năm khá lâu nên bà D.B.T từ chối mua lô trái phiếu trên. Tuy nhiên, để tạo niềm tin và dụ dỗ bà D.B.T đầu tư, nhân viên Cty quỹ Vietinbank đã khẳng định chỉ cần sau 1 năm sẽ có người mua lại số lượng trái phiếu bà D.B.T đầu tư.
Để tạo niềm tin, ngày 7/10/2021 nhân viên cty quỹ Vietinbank đã soạn sẵn 2 hợp đồng với nội dung bán cho bà D.B.T số lượng 30 trái phiếu của công ty Central Capital với tổng trị giá hơn 30 tỷ đồng và một hợp đồng đặt mua bán số trái phiếu trên giữa bà DBT và công ty CP Đầu tư và Tư vấn Gaia, dự kiến giao dịch ngày 7/10/2022.
“Nhân viên cty quỹ Vietinbank khẳng định số trái phiếu trên sẽ được công ty Gaia mua lại sau 1 năm. Đồng thời nhìn thấy hợp đồng đặt mua trái phiếu của công ty Gaia đã được đóng dấu và ký sẵn. Do tin tưởng và nghĩ thời gian đầu tư không quá dài nên tôi đã đồng ý mua số trái phiếu trên của công ty quỹ Vietinbank”, bà D.B.T thông tin.
Sau đó, ngày 14/10, bà DBT được Công ty quỹ Vietinbank cấp giấy chứng nhận số CENCH2124001/23082021-004, chứng nhận bà D.B.T sở hữu 30 trái phiếu công ty TNHH Đầu tư Central Capital đợt phát hành ngày 27/5/2021. Tại chứng nhận này ghi rõ: “Trái phiếu được mua, bán, chuyển nhượng, thừa kế, cầm cố, chiết khấu một phần hoặc toàn bộ, được dùng làm tài sản thế chấp theo quy định của pháp luật và các điều khoản điều kiện của trái phiếu. Khi thực hiện giao dịch này, các bên liên quan phải thực hiện đăng ký và xác nhận tại VietinBank Securities”.
Mặc dù quy định tại giấy chứng nhận rõ ràng như thế, tuy nhiên thời gian sau khi sở hữu số trái phiếu trên, do có nhu cầu sử dụng tiền, bà D.B.T đã đặt vấn đề thế chấp số trái phiếu trên để vay tiền tại ngân hàng VietinBank nhưng không hiểu lý do gì ngân hàng này từ chối cho bà D.B.T vay tiền qua hình thức thế chấp trái phiếu do chính ngân hàng này chuyển nhượng.
Nhận thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo đúng như cam kết, đồng thời nhận thấy nhiều dấu hiệu không hợp lý trong hợp đồng đặt mua trái phiếu với công ty Gaia, bà DBT quyết định yêu cầu thanh toán hợp đồng mua bán trái phiếu ngay sau khi hết hạn 1 năm.
Ngày 6/10/2022, sau khi thời hạn 1 năm kết thúc, nhân viên công ty quỹ VietinBank bất ngờ dẫn một người đàn ông giới thiệu tên Dương, Tổng Giám đốc công ty Gaia tới xin khất thanh toán mua lại trái phiếu của bà D.B.T lại 1 tháng với lý do vay ngân hàng khó khăn.
Lúc này, nhận thấy quyền lợi của mình không được đảm bảo như cam kết, bà D.B.T đã nhiều lần yêu cầu phía công ty quỹ VietinBank thực hiện thanh toán lô trái phiếu đúng hẹn. Tuy nhiên, đã nhiều ngày trôi qua, bà D.B.T vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía đơn vị này.
“Tôi cho rằng, nhân viên công ty quỹ VietinBank có dấu hiệu lừa đảo nhằm dụ dỗ tôi mua lô trái phiếu trên. Rõ ràng ngày 14/10/2021 tôi mới được chứng nhận sở hữu 30 trái phiếu do công ty Central Capital phát hành nhưng ngày 7/10/2021, công ty quỹ VietinBank đã làm sẵn một hợp đồng đặt mua số trái phiếu trên với công ty Gaia. Đây có thể xem là hành vi bán “vịt trời”, làm giả hồ sơ giấy tờ nhằm dụ dỗ tôi mua lô trái phiếu trên”, bà D.B.T bức xúc.
Bên cạnh đó, bà D.B.T cho rằng việc ngân hàng VietinBank không nhận thế chấp chính những trái phiếu do mình chuyển nhượng như cam kết là vi phạm hợp đồng với khách hàng, làm ảnh hưởng tới quyền lợi của khách hàng một cách nghiêm trọng.
Sau nhiều ngày gửi kiến nghị tới các cơ quan chức năng của ngân hàng VietinBank nhưng không nhận được phản hồi, cực chẳng đã bà D.B.T cùng người thân của mình phải gửi đơn tới các cơ quan cùng lực lượng chức năng để mong có thể đòi lại quyền lợi và lấy lại tiền của mình”.
Trên đây là nội dung được chia sẻ về sự việc của cô giáo T. Với một người có nghề nghiệp là giáo viên như cô giáo T, liệu có thuộc đối tượng để mua trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền hay không? Và Công ty quỹ VietinBank có đang cố tình làm trái quy định của pháp luật để dụ dỗ khách hàng mua trái phiếu của mình? Quyền lợi của khách hàng sẽ được đảm bảo ra sao khi những kết trong hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu không được phía VietinBank thực hiện? Trách nhiệm của Ngân hàng TMCP Vietinbank ra sao khi Công ty quỹ VietinBank lừa đảo khách hàng? Những hành vi này được xử lý, cảnh báo như thế nào?
Rất nhiều câu hỏi đang được đặt ra xung quanh sự việc này. Dù chưa biết thực hư thế nào, nhưng câu chuyện này đang là tâm điểm rất nóng trên các diễn đàn mạng xã hội, bởi thời gian qua đã có quá nhiều sự việc nghiêm trọng liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp khiến cho nhiều người điêu đứng. Nếu sự việc trên là đúng sự thật thì đây sẽ là một vụ việc đáng được lan tỏa rộng rãi để cảnh báo toàn thể người dân nên đề cao cảnh giác với những lời mời tham gia mua trái phiếu của các doanh nghiệp và Bank.
Được biết, đối với trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền: Đối tượng mua trái phiếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật chứng khoán. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán theo quy định tại Điều 11 Luật Chứng khoán. Tổ chức có trách nhiệm xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, ngoài trừ việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 Nghị định 153/2020/NĐ-CP , khoản 6 Điều 1 Nghị định 65/2022/NĐ-CP. Thực hiện giao dịch trái phiếu theo quy định tại Điều 16 Nghị định 153/2020/NĐ-CP, sửa đổi bổi sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP; không được bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dưới mọi hình thức. |
Theo Ninh Nguyên/DNT
Link nội dung: https://thuonghieuplus.vn/thuc-hu-chuyen-cong-ty-quy-vietinbank-bi-khach-hang-to-lua-mua-hang-chuc-ty-dong-trai-phieu-a71291.html