Giám đốc tài chính Nhật Cường có vai trò gì trong đường dây buôn lậu?

18/01/2021 15:00

Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường bị cáo buộc đồng phạm, giúp Bùi Quang Huy (TGĐ Công ty Nhật Cường) và đồng phạm buôn lậu hơn 255.000 sản phẩm, tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng.

Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường bị cáo buộc đồng phạm, giúp Bùi Quang Huy (TGĐ Công ty Nhật Cường) và đồng phạm buôn lậu hơn 255.000 sản phẩm, tổng giá trị gần 3.000 tỷ đồng.

Theo kết luận điều tra, bị can Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường) khai: Từ năm 2014 đến tháng 5/2019, với vai trò Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường, Ngọc có nhiệm vụ quản lý, theo dõi thu, chi của Công ty Nhật Cường.

Hàng lậu được quản lý bằng phần mềm nội bộ nhằm che giấu cơ quan chức năng

Trong đó, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc và Trần Ngọc Ánh, Phó Tổng Giám giao cho Ngọc quản lý, theo dõi và thanh toán tiền mua hàng lậu của 16 nhà cung cấp và tiền vận chuyển cho 9 nhà vận chuyển. Đồng thời, sau khi mua hàng, Ngọc tạo các đơn hàng trên phần mềm ERP (phần mềm theo dõi nội bộ, không công khai với cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước...) để quản lý theo dõi hàng hóa.

Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường khai, Bùi Quang Huy, Trần Ngọc Ánh, Hoàng Văn Phong, Mai Tiến Dũng là những người trực tiếp giao dịch mua hàng từ 16 nhà cung cấp. Sau khi mua hàng xong, những người giao dịch mua hàng này gửi thông tin về đơn hàng đã đặt mua qua email, phần mềm Wechat, WhatsApp trên điện thoại di động cho Ngọc, gồm các thông tin: Tên hàng, số lượng hàng, đơn giá, thành tiền (hàng hóa chủ yếu là điện thoại iphone các loại).

Khi đến ngày phải trả tiền cho nhà cung cấp, người giao dịch mua hàng sẽ thông báo các thông tin của nhà cung cấp để Ngọc thanh toán tiền (số tài khoản hoặc người nhận tiền mặt). Khi hàng về, Ánh thông báo cho Nông Văn Lư (lái xe của Công ty Nhật Cường) đi nhận hàng và nhận tiền để thanh toán cho bên vận chuyển thuê nên Ngọc biết ngày hàng hóa về kho để tạo sẵn đơn đặt hàng vào hệ thống ERP. Ngọc đăng nhập vào phần mềm ERP bằng cách nhập các thông tin do người mua hàng cung cấp gồm: Tên nhà cung cấp, tên hàng hóa, đơn giá mua hàng và đơn giá vận chuyển. Sau đó nhấn chuột vào nút cập nhật và như vậy đơn hàng tự hoàn thành.

Một cửa hàng của Công ty Nhật Cường thời điểm cơ quan chức năng khám xét.)

Kết luận điều tra cho biết, Ngọc khai việc tạo đơn đặt hàng trên hệ thống phần mềm ERP là để lưu, quản lý hàng hóa mua, đồng thời giúp bộ phận kho có thông tin tạo phiếu nhập kho trên phần mềm và quản lý hàng hóa bán ra. Khi hàng được Lư nhận đưa về kho, bộ phận kiểm đếm hàng thực nhận và vào phần mềm ERP để tạo phiếu nhập kho. Khi tạo phiếu nhập kho trong phần mềm ERP các thông tin Ngọc đã tạo trong đơn đặt hàng như tên nhà cung cấp, tên hàng hóa, số lượng, đơn giá mua hàng và số đơn đặt hàng sẽ tự động chuyển đến phiếu nhập kho này. Sau đó, bộ phận kho chỉ có nhiệm vụ nhập imei của hàng hóa thực nhận vào phiếu nhập kho hàng hóa. Như vậy, phiếu nhập hàng hóa có đủ thông tin về số đơn đặt hàng, tên nhà cung cấp, tên hàng hóa, đơn giá mua hàng, số lượng hàng, imei từng hàng hóa.

Cũng theo kết luận điều tra, thông tin về việc thanh toán tiền mua hàng và tiền vận chuyển đều có người giao dịch cung cấp cho Ngọc.

Việc chi tiền hàng cho nhà cung cấp, tiền cước phí vận chuyển cho đường dây vận chuyển được Ngọc chỉ đạo thực hiện như sau: Tiền mua hàng được thanh toán bằng các hình thức: Nhà cung cấp cho người trực tiếp đến Công ty Nhật Cường nhận tiền mặt, Ngọc trực tiếp hoặc chỉ đạo thủ quỹ đưa tiền; Chuyển tiền vào tài khoản của một số cá nhân do nhà cung cấp yêu cầu: Chuyển tiền mặt hoặc chuyển khoản vào tài khoản của một số cá nhân của các tiệm vàng tại phố Hà Trung và phố Hàng Dầu, Hà Nội để họ chuyển tiền vào tài khoản tại nước ngoài do nhà cung cấp yêu cầu.

Còn tiền cước phí vận chuyển được thực hiện bằng các hình thức: Thủ quỹ chi tiền mặt để Nông Văn Lư đưa cho đối tượng vận chuyển khi nhận hàng; Chuyển tiền vào tài khoản của một số cá nhân do đường dây vận chuyển yêu cầu; Người của đường dây vận chuyển trực tiếp đến Công ty Nhật Cường nhận tiền mặt.

Biết sếp buôn bán trái pháp luật nhưng vẫn giúp sức

Một cửa hàng của Công ty Nhật Cường thời điểm bị cơ quan chức năng khám xét, thu giữ.)

Ngọc xác nhận Công ty Nhật Cường đã mua của 16 nhà cung cấp 2.502 đơn hàng, với 255.311 sản phẩm (điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính, máy nghe nhạc, Apple TV, tai nghe, đồng hồ của hãng Apple...), tổng trị giá gần 3.000 tỷ đồng đồng, chi hơn 72 tỷ đồng để thuê 9 đường dây vận chuyển vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ, thu lợi hơn 221 tỷ đồng, còn lại 947 sản phẩm chưa tiêu thụ, tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng (trong đó có 75 điện thoại di động bị bắt tại Sân bay Nội Bài ngày 21/9/2018).

"Ngọc nhận thức việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Trong việc làm này, Ngọc không được hưởng lợi gì mà chỉ được Bùi Quang Huy trả lương theo tháng. Việc làm trên của Ngọc là do Bùi Quang Huy chỉ đạo, là cấp dưới (người làm thuê) nên phải thực hiện", kết luận điều tra cho biết.

Tuy nhiên, kết luận điều tra xác định, từ năm 2014 đến tháng 5/2019, Nguyễn Bảo Ngọc thực hiện nhiệm vụ quản lý thu, chi liên quan đến các hoạt động của Công ty Nhật Cường. Trong thời gian này, Ngọc biết việc Bùi Quang Huy và đồng phạm buôn bán trái pháp luật hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ nhưng Ngọc (theo sự chỉ đạo của Bùi Quang Huy và Trần Ngọc Ánh) vẫn thực hiện việc thanh toán tiền mua hàng cho các nhà cung cấp, thanh toán tiền cước phí vận chuyển và nhập các đơn hàng nhập lậu vào hệ thống phần mềm ERP của Công ty Nhật Cường.

Hành vi của Nguyễn Bảo Ngọc đã phạm vào tội "Buôn lậu", quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò đồng phạm, giúp sức.

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong số 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Nhật Cường và Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Nhật Cường bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Nguyễn Bảo Ngọc và 13 người còn lại bị đề nghị truy tố thêm về tội "Buôn lậu" gồm Trần Ngọc Ánh - Phó tổng Giám đốc Nhật Cường; Đỗ Quốc Huy - Giám đốc bán hàng Nhật Cường; Nông Văn Lư - nhân viên Nhật Cường; Nguyễn Bảo Trung - lao động tự do; Trần Tất Khoa - Giám đốc Công ty Nhật Cường Quảng Châu; Lê Hoài Phương - nhân viên Nhật Cường Quảng Châu; Ngô Đức Tùng - lao động tự do; Ngô Tuấn Sửu - Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Thanh Sơn; Hoàng Văn Phong - Trưởng ngành hàng Apple Nhật Cường; Mai Tiến Dũng - trưởng ngành điện thoại cũ Nhật Cường; Phạm Văn Hiệp - lao động tự do; Bùi Quốc Việt - nhân viên Nhật Cường; Đỗ Văn Dũng - lao động tự do.

Theo Nguyễn Dương/Dân trí

Bạn đang đọc bài viết "Giám đốc tài chính Nhật Cường có vai trò gì trong đường dây buôn lậu?" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.