Doanh nghiệp xây dựng “toan tính” lại hướng đi

03/04/2020 18:02

Cùng với sự “đứng hình” của bất động sản, việc gặp khó không chỉ trên công trường mà cả trên sàn chứng khoán đang khiến các doanh nghiệp xây dựng phải toan tính lại hướng đi.

Cùng với sự “đứng hình” của bất động sản, việc gặp khó không chỉ trên công trường mà cả trên sàn chứng khoán đang khiến các doanh nghiệp xây dựng phải toan tính lại hướng đi.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng vốn đã từng bước cảm nhận sự khó khăn cùng với sự đi xuống của thị trường bất động sản từ năm 2019 khi chính quyền các địa phương siết chặt thủ tục cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, xét duyệt khiến hàng loạt dự án bất động sản không thể triển khai.

Biểu đồ so sánh biến động giá một số cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng trong 6 tháng gần đây

Tác động kép từ thị trường

Đến nay khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thị trường bất động sản gần như “đóng băng” thì các doanh nghiệp xây dựng cũng “đứng hình” theo.

Theo chia sẻ của lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng lớn thì hiện gần phân nửa lượng công nhân của doanh nghiệp ông đã tạm nghỉ, doanh thu sụt giảm trầm trọng, các khoản công nợ từ trước giờ càng khó đòi hơn khi chủ đầu tư cũng chẳng bán được hàng, nói đúng hơn họ cũng không có tiền để trả nợ.

Trên thị trường chứng khoán, 6 tháng gần đây ghi nhận cổ phiếu của các doanh nghiệp có tiếng trong ngành xây dựng có thể kể đến gồm Hòa Bình, FECON, Coteccons, Vinaconex đang dàn hàng ngang đi xuống.

Dẫn đầu cuộc đua không ai muốn đi đầu này là “ông lớn” Hòa Bình (mã HBC) khi so với thời điểm đầu tháng 10/2019, cổ phiếu của doanh nghiệp này giảm 59% thị giá, đi xuống từ mức giá 14.300 đồng xuống mức 6.020 đồng kết phiên 31/3/2020. Theo sau HBC cũng là một “ông lớn” khác trong ngành là Coteccons (mã CTD) với mức thị giá bị bốc hơi lên đến gần 54%.

Một cái tên khác là FECON, một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực nền móng và công trình ngầm nhưng cũng không giữ được giá cổ phiếu của mình khi FCN ghi nhận mức giảm 44,3% thị giá trong 6 tháng qua, đi từ mức giá gần 13.000 đồng xuống 6.790 đồng kết phiên 31/3/2020.

Cũng ghi nhận đà giảm nhưng có phần từ tốn hơn là Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã VGC) khi ghi nhận mức giảm 7%. Tương tự, Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC) cũng có mức giảm 12,6% thị giá trong 6 tháng qua.

Việc cổ phiếu của các doanh nghiệp xây dựng “dắt tay nhau” đi xuống được nhiều chuyên gia lý giải là do chịu tác động kép từ sự giảm tốc của thị trường bất động sản xuất phát từ những vấn đề liên quan đến công tác rà soát thủ tục pháp lý cộng với ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu COVID-19 đang đặt các doanh nghiệp xây dựng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần FECON cho rằng những khó khăn hiện nay đến từ việc đại dịch COVID-19 đã làm ảnh hưởng rõ rệt tới nền kinh tế nói chung cũng như thị trường xây dựng nói riêng, đặc biệt là xây dựng bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Doanh nghiệp “toan tính” lại hướng đi

Dưới "bóng ma" COVID-19, các doanh nghiệp xây dựng bắt buộc phải toan tính lại hướng đi, tìm cơ hội trong mối nguy dịch bệnh để tồn tại và sẵn sàng cho câu chuyện hồi phục khi dịch bệnh qua đi.

Các công ty nghiên cứu thị trường như Savills, CBRE và JLL trong các báo cáo của mình cũng đang chỉ ra những cơ hội đền từ dòng vốn chuyển dịch đến Việt Nam, nhất là thời điểm sau đại dịch khi các chuỗi giá trị được nối lại và nhu cầu tăng cao.

Điều này sẽ dẫn đến nhu cầu bất động sản công nghiệp tại Việt Nam tăng mạnh theo đà tăng của nguồn vốn đầu tư FDI với thuận lợi là hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện và quỹ đất dành cho công nghiệp của Việt Nam vẫn còn dồi dào.

Xây dựng hạ tầng công nghiệp là hướng đi được các doanh nghiệp chú trọng sau đại dịch

Nắm bắt xu thế này, mới đây ông lớn Vingroup cũng đã đổi tên Vingroup Ventures thành Công ty Đầu tư Khu công nghiệp Vinhomes để lấn sân sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, bên cạnh việc chờ đợi những chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung thì trong bối cảnh hiện nay doanh nghiệp đang chủ động tìm những cơ hội có thể đến từ việc bất động sản công nghiệp phát triển do những ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với Trung Quốc cũng như hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

“Những tác động này đang tạo ra xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và với thế mạnh đã thi công cho nhiều doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam thì chúng tôi kỳ vọng sẽ “bắt trọn” xu thế này” - ông Thanh nhấn mạnh.

Cơ hội sẽ được mở ra cho cả hai là nhà đầu tư và nhà thầu, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình nhận định và cho biết trong khó khăn doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục các hoạt động mở rộng thị trường, tham gia dự thầu nhiều dự án, đặc biệt là các dự án xây dựng hạ tầng công nghiệp.

Một điểm sáng nữa được các doanh nghiệp xây dựng kỳ vọng là việc Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, với hàng loạt các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, các công trình công nghiệp quy mô lớn được đẩy nhanh đầu tư. Đó sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Bên cạnh đó, để ứng phó với tình trạng khó khăn, nhiều doanh nghiệp xây dựng cũng đã tính tới chiến lược phát triển đa ngành, bên cạnh việc duy trì các mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi (xây dựng, xây lắp hay xây dựng công trình ngầm..) thì cũng mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực mới như bất động sản, thủy điện, năng lượng tái tạo, nông nghiệp...

Một ví dụ cho giải pháp “mọc thêm chân” này là FECON khi doanh nghiệp này hiện đang tham gia đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo và hạ tầng bất động sản./.

 

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Doanh nghiệp xây dựng “toan tính” lại hướng đi" tại chuyên mục Thương hiệu mạnh. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.