Đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh dịch bệnh

04/04/2020 19:28

Mới đây, bản "Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế" đã được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, trong đó đề xuất nhiều giải pháp giúp ứng phó với tác động dịch Covid-19.

Mới đây, bản "Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế" đã được Trường Đại học Kinh tế Quốc dân gửi tới Chính phủ, các bộ ngành, trong đó đề xuất nhiều giải pháp giúp ứng phó với tác động dịch Covid-19.

Mới đây, bản "Báo cáo Đánh giá tác động của Covid-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách" nghiên cứu bởi các chuyên gia Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã được gửi tới Chính phủ, các bộ ngành đề xuất những giải pháp nhằm ứng phó với tác động của dịch bệnh. 

Báo cáo nhận định, tình hình đại dịch kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế. Dự báo tăng trưởng GDP quý II/2020 của Việt Nam là khoảng 2% so với cùng kỳ và thậm chí có thể suy thoái nếu xảy ra kịch bản xấu.

Nếu dịch Covid-19 kéo dài hết tháng 4, dự kiến sẽ có 49,2% doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động; 31,9% cắt giảm quy mô sản xuất; 18,1% tạm dừng hoạt động và 0,8% có khả năng phá sản. Còn nếu đến hết tháng 6, tháng 9 hoặc hết năm dịch bệnh mới được khống chế thì tỷ lệ phá sản sẽ là 6,1%, 19,3% và 39,3%.

Theo các chuyên gia, cần phải xây dựng nhiều kịch bản chính sách kinh tế khác nhau từ ngắn đến dài hạn nhằm ứng phó với tình hình dịch ở cả Việt Nam lẫn các quốc gia khác trên thế giới. Mức độ kết nối rất lớn của Việt Nam với chuỗi giá trị toàn cầu và các biện pháp giãn cách xã hội do các nước áp dụng dẫn đến việc đại dịch có thể được kiểm soát ở Việt Nam cũng không thể làm cho nền kinh tế phục hồi ngay nếu nó vẫn tiếp diễn ở các quốc gia khác. 

Nếu bệnh dịch trong nước có thể kiểm soát ngay trong tháng 4 hoặc đến hết quý II/2020 thì phản ứng chính sách nên mang tính “hỗ trợ”. 

Nếu bệnh dịch kéo dài hơn (đến quý III hoặc hết năm 2020), Chính phủ cần tính tới các biện pháp mạnh mẽ hơn mang tính “giải cứu”. Các giải pháp chính sách đưa ra cần tính đến độ trễ trong quá trình ban hành và triển khai để đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh đến nền kinh tế, đầu tư công được đánh giá là có vai trò quan trọng

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng

Các chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, khi cầu chi tiêu từ khu vực doanh nghiệp và người dân giảm mạnh, Nhà nước cần đóng vai trò là đối tượng chi tiêu chính. Do vậy, đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.

Đầu tư công phải đúng mục đích, tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt và cần đúng thời điểm mà nền kinh tế cần. Đồng thời, cần có sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội để tránh xảy ra những hệ lụy tiêu cực.

Theo đó, Bộ Tài chính cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án, chương trình lớn; ban hành tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Đặc biệt, có thể hoãn một số chương trình đầu tư chưa quan trọng; nâng hạn mức gói thầu được cho phép chỉ định thầu. Đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng.

Thứ nhất, có kế hoạch giải ngân chi tiết cụ thể các dự án lớn, quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài.

Đối với các dự án, công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước: cho phép tiếp tục giải ngân số vốn còn lại của năm 2019 đến hết tháng 6 năm 2020. Đối với các dự án, công trình quan trọng, cấp bách nhưng chưa bố trí được nguồn vốn thì các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư và chủ động làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xử lý nguồn vốn, kể cả việc tạm ứng từ ngân sách Nhà nước để thực hiện.

Tạm hoãn thu hồi các khoản vốn ngân sách Nhà nước đã ứng trước kế hoạch 2020. Cho phép tiếp tục giải ngân số vốn trái phiếu Chính phủ còn lại của năm 2019 trong năm 2020. Cho phép điều chỉnh tổng mức đầu tư với các dự án sử dụng nguồn trái phiếu Chính phủ đã có trong danh mục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao.

Thứ hai, ban hành tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Chính phủ cần tham khảo tiêu chí đánh giá hiệu quả quản lý đầu tư công của Quỹ Tiền tệ Quốc tế để có những giải pháp phù hợp.

Ở chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương hoàn thành thủ tục và thúc đẩy giải ngân, thực hiện các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng, có tác động lan toả, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội, như các dự án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, xây dựng mới sân bay Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020... không được chậm trễ như thời gian vừa qua.

Thứ ba, tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách, ví dụ như sân bay Long Thành được đề cập trong Chỉ thị 11. Báo cáo nhận định, thực tế việc đầu tư sân bay là cần thiết, tuy nhiên trong thời gian này có thể chuyển nguồn vốn này sang hỗ trợ các doanh nghiệp. Sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư.

Thứ tư, cho phép nâng hạn mức được áp dụng chỉ định thầu. Hiện nay, theo Điều 54 Nghị định 63-2014-NĐ/CP, hạn mức gói thầu được áp dụng chỉ định thầu chỉ là không quá 500 triệu đồng với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công; không quá 1 tỷ đồng với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hỗn hợp… Nếu có thể nâng hạn mức này lên thì đối tượng được chỉ định thầu mở rộng hơn, giải ngân vốn đầu tư nhanh hơn.

Thứ năm, đẩy mạnh triển khai việc đấu thầu qua mạng, giảm chi phí hành chính và tăng sự tham gia của các đơn vị trong và ngoài nước có đủ năng lực tham gia đấu thầu công khai rộng rãi.

Chuyên gia Đại học Kinh tế Quốc dân đề xuất có thể tạm hoãn các khoản đầu tư công chưa cấp bách như sân bay Long Thành để sau khi nền kinh tế hồi phục sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư.

Miễn, giảm thuế với quy mô hợp lý

Theo các chuyên gia, giải pháp miễn, giảm một số loại thuế (thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân) với quy mô hợp lý sẽ có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn. Trong đó, cần đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax. Cụ thể:

Thứ nhất, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trường hợp doanh nghiệp đang trong thời gian được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thì số thuế được giảm 50% tính trên số thuế còn lại sau khi đã trừ đi số thuế được ưu đãi theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp. Kéo dài thời gian chuyển lỗ từ 5 lên 8 năm, giãn thời gian nộp quyết toán thuế đến 30/6/2020. 

Các cá nhân và doanh nghiệp chung tay đóng góp ủng hộ từ thiện (bằng tiền và hiện vật) nhằm chống dịch COVID-19 cho các tổ chức, đơn vị được Nhà nước cho phép nhận từ thiện (theo quy định của Nghị định 64/2008/NĐ-CP) hoặc cho các bệnh viện (có chứng nhận của bệnh viện) sẽ được khấu trừ vào thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp. 

Với những doanh nghiệp trực tiếp tham gia sản xuất đồ bảo hộ (găng tay, quần áo bảo hộ), trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 nên cho phép doanh nghiệp được khấu trừ toàn bộ chi phí tài sản cố định (phát sinh khi mở rộng quy mô sản xuất) vào chi phí hợp lý để giảm trừ thuế thu nhập doanh nghiệp.

Thứ hai, giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng cho các hàng hóa dịch vụ gặp khó khăn, giãn nộp thuế giá trị gia tăng trong 6 tháng, xem xét hoàn ngay thuế giá trị gia tăng đầu vào cho doanh nghiệp xuất khẩu trong 3 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. 

Với dự án đầu tư thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau, rút ngắn thời gian xét hoàn từ 40 ngày xuống 20 ngày… Doanh nghiệp sản xuất trang thiết bị phòng chống dịch được hoàn 100% thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Thứ ba, miễn và giãn nộp thuế với một số trường hợp cụ thể, miễn thuế thu nhập cá nhân với các khoản thu nhập, trợ cấp và tiền thưởng được trả cho những người làm việc trên tuyến đầu chống đại dịch. Giãn thuế thu nhập cá nhân phải nộp chuyển tới thời kỳ cuối năm 2020. 

Miễn thuế nhập khẩu các hàng hóa nhập khẩu để phục vụ chống dịch hoặc nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng hóa giúp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19. 

Đồng thời, giãn tiền thuê đất doanh nghiệp phải nộp trong 6 tháng để doanh nghiệp dồn lực khắc phục những vấn đề do dịch bệnh tác động.

Thứ tư, đẩy mạnh xúc tiến triển khai dịch vụ thuế điện tử eTax. Tổng Cục thuế thay vì triển khai eTax cho 18 tỉnh thành phố còn lại vào tháng 11 như dự kiến sẽ chuyển sang thực hiện ngay trong tháng 6/2020.

 

Link gốc

Bạn đang đọc bài viết "Đầu tư công đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh dịch bệnh" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.