Cơ sở Candy Vivi Spa: Tiêm filler trá hình, “phù phép” mỹ phẩm lậu bán cho khách

08/10/2019 15:56

 Không chỉ ngang nhiên thực hiện các hoạt động thẩm mỹ xâm lấn trá hình, Nguyễn Tường Vy – chủ cơ sở Vivi Candy Spa (317/8 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp) còn bán mỹ phẩm hiệu Candy Vivi có nguồn gốc là mua kem ngoài chợ về dán nhãn bán cho khách.

 Không chỉ ngang nhiên thực hiện các hoạt động thẩm mỹ xâm lấn trá hình, Nguyễn Tường Vy – chủ cơ sở Vivi Candy Spa (317/8 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp) còn bán mỹ phẩm hiệu Candy Vivi có nguồn gốc là mua kem ngoài chợ về dán nhãn bán cho khách.

Hoạt động thẩm mỹ chui, vừa bán kem lậu?

Như đã đề cập ở các số báo trước, Cơ sở Vivi Candy Spa tọa lạc tại 317/8 Thống Nhất, phường 11, quận Gò Vấp do bà Nguyễn Tường Vy làm chủ đang hoạt động thẩm mỹ xâm lấn trái phép đã nhận được quan tâm rất lớn từ độc giả.

Tiếp tục điều tra về những sai phạm của cơ sở Vivi Candy Spa, phóng viên phát hiện, chủ cơ sở thẩm mỹ này còn rao bán mỹ phẩm được cho là kem trộn với tên gọi là mỹ phẩm Candy Vivi. Theo quảng cáo, nhãn hiệu Candy Vivi có rất nhiều sản phẩm từ kem body, kem face, kem tắm trắng,… được quảng cáo với những tính năng và công dụng  đầy ưu thế. Điều này đã đánh trúng tâm lý của khách hàng mong muốn làm đẹp cấp tốc: độ che phủ, chống nắng tốt, độ bật tone trắng hơn mong đợi, cung câp dưỡng chất tuyệt vời,..

Nguyễn Tường Vy quảng cáo mỹ phẩm Candy Vivi?

Để rõ hơn, phóng viên đặt mua sản phẩm có tên “Body whiteing super” của “thương hiệu” mĩ phẩm này. Nhưng khác xa với những lời “chiêu dụ” người tiêu dùng, sản phẩm “Body whiteing super” có nhãn mác khá sơ sài và có hàng loạt dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Cụ thể, bao bì nhãn mác của sản phẩm được ghi bằng ngoại ngữ (tiếng Anh), trên bao bì không thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc đối với nhãn hàng hóa  mỹ phẩm theo quy định của pháp luật hiện hành như: số lô, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa,…. Đặc biệt, trên sản phẩm, chúng tôi ghi nhận dòng chữ: exclusive distributor (tạm dịch: nhà phân phối độc quyền) at: Spa Home Vivi Candy.

Theo quy định tại Nghị định 43/2017 NĐ- CP, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: Tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa được quy định cụ thể. Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó. Đồng thời, tại khoản 1  Điều 7 Nghị định này ghi rõ: “Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt” và “Hàng hóa được sản xuất và lưu thông trong nước, ngoài việc thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác. Nội dung ghi bằng ngôn ngữ khác phải tương ứng nội dung tiếng Việt. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt”.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, việc ghi số lô sản xuất để nhằm nhận biết lô sản phẩm và cho phép truy xét toàn bộ lai lịch, bao gồm tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và phân phối lô sản phẩm đó. Thế nhưng, chúng tôi lại không thấy sản phẩm này ghi số lô sản xuất.

Điều này đặt ra nghi vấn phải chăng  mỹ phẩm Candy Vivi không ghi số lô sản xuất là để nhằm qua mặt cơ quan chức năng trong trường hợp người tiêu dùng bị ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ không truy xuất nguồn gốc của lô hàng kém chất lượng?

Mua kem chợ về dán nhãn thành mỹ phẩm “hiệu”

Để làm rõ những nghi vấn về nguồn gốc của sản phẩm mang nhãn hiệu Candy Vivi đang được lưu thông trên thị trường, phóng viên đã tiến hành làm việc với  chủ cơ sở Candy Vivi Spa- Nguyễn Tường Vy. Những tiết lộ “ động trời” mà chủ cơ sở này “hồn nhiên” trả lời không chỉ thể hiện sự coi nhẹ pháp luật mà còn khiến những khách hàng đã và đang sử dụng mỹ phẩm Candy Vivi phải “phẫn nộ”?

 Khi được hỏi có hay không việc cơ sở này cung cấp mỹ phẩm với nhãn hiệu Candy Vivi, chủ cơ sở chối phăng: “Cái đó hồi xưa có nhưng bây giờ em không làm nữa. Giờ không làm nữa, không bán nữa, không có bán kem tên mình luôn á…” Phản hồi câu hỏi về nguồn gốc của sản phẩm mang nhãn hiệu nói trên, chủ cơ sở Vivi Candy Spa Nguyễn Tường Vy thừa nhận: “Hồi xưa mình mua hũ kem  về dán tên mình lên, mình  dán tên mình lên mình bán trong spa cho người ta thôi. Nhưng mà cái đó không phải là quy mô lớn gì hết, mình chỉ mua đi bán lại thôi. Mình mua sản phẩm về dán tên lên chứ không phải mình thuộc dạng sản xuất”. Cuối cùng, bà chủ spa này khẳng định lại rất ngắn gọn và dõng dạc với phóng viên: “Em đi mua ở ngoài chợ về và em dán tên mình lên.” 

Mỹ phẩm Body whiteing super nhãn hiệu Candy Vivi thực chất là kem chợ.

Những nghi vấn hoài nghi về nguồn gốc mĩ phẩm Candy Vivi đã được giải đáp từ chính chủ cơ sở. Nguồn gốc trôi nổi từ “chợ” được bà chủ sinh năm 1995 này “phù phép” chỉ bằng một thao tác đơn giản đến khó tin “dán tên mình lên”. Với việc bất chấp hậu quả, bất chấp sức khỏe khách hàng, bất chấp quy định pháp luật, Candy Vivi Spa, mĩ phẩm Candy Vivi sẽ tiếp tục lừa dối, móc túi bao nhiêu khách hàng nữa? Bao nhiêu người tiêu dùng phải gánh chịu hậu quả từ việc sử dụng mĩ phẩm trôi nổi được các chủ spa biến hóa thành những “thần dược cho da” với những tính năng tuyệt vời?

Những  ca biến chứng nghiêm trọng hủy hoại nhan sắc, sức khỏe được báo chí liên tục ghi nhận tại các bệnh viện da liễu trên toàn quốc chính là lời cảnh tỉnh cho người tiêu dùng đối với những sản phẩm mĩ phẩm “chợ”. Thiết nghĩ, đã đến lúc, các cơ quan chức năng sớm vào cuộc thực hiện chức năng của mình để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người dân, đảm bảo tính tôn nghiêm của luật pháp.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới quý độc giả tại các kỳ bài tiếp theo.

Cẩm Ly

Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Cơ sở Candy Vivi Spa: Tiêm filler trá hình, “phù phép” mỹ phẩm lậu bán cho khách" tại chuyên mục Khỏe - Đẹp. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.