Chung cư ‘ngóng’ sổ hồng ở TP.HCM – Kỳ 1: Chờ đợi mỏi mòn

27/11/2019 08:15

Rao bán căn hộ rộng hơn 90 m2 ngay Q.Tân Phú (TP.HCM) nhưng ông T. ngán ngẩm vì đa số người muốn mua đều ‘bỏ chạy’ khi biết chung cư chưa có sổ hồng.

Cư dân chung cư Trương Đình Hội (Q.8, TP.HCM) treo băng rôn phản đối chủ đầu tư Ảnh: Sỹ Đông

Rao bán căn hộ rộng hơn 90 m2 ngay Q.Tân Phú (TP.HCM) nhưng ông T. ngán ngẩm vì đa số người muốn mua đều ‘bỏ chạy’ khi biết chung cư chưa có sổ hồng.

Căn hộ 20 triệu đồng/m2 vẫn ế khách

Hơn 1 năm qua, ông N.X.T (cư dân chung cư Khang Gia Tân Hương, P.Tân Quý, Q.Tân Phú, TP.HCM) vẫn chưa thể bán được căn hộ rộng hơn 90 m2 để chuyển đến nơi khác sinh sống. Với vị thế không quá xa trung tâm, căn hộ của ông T. được định giá gần 3 tỉ đồng, nếu có sổ hồng.
Chung cư Khang Gia Tân Hương (Q.Tân Phú) dính nhiều sai phạm nên chưa được cấp sổ hồng
Ảnh: Sỹ Đông
Nhưng vì chung cư chưa có giấy tờ pháp lý nên ông T. chỉ rao bán với giá bằng giá mua từ năm 2012 cùng với chi phí sửa sang lại căn hộ. “Thế nhưng khách nghe đến chung cư Khang Gia Tân Hương đều ‘bỏ chạy’, họ biết chủ đầu tư sai phạm đủ thứ nên không biết bao giờ mới có sổ hồng. Một vài hộ khác rao bán căn hộ từ 4 năm qua nhưng vẫn chưa bán được”, ông T. cho hay.
Sổ hồng lẽ ra phải đến tận tay cư dân từ nhiều năm trước nhưng với nhiều vi phạm của chủ đầu tư, những người như ông T. không biết phải còn chờ sổ hồng đến bao giờ.
Năm 2016, chủ đầu tư xây dựng trái phép biến tầng trệt và tầng lửng thành hơn 70 căn hộ khiến chung cư không thể hoàn công. Chưa kể, sổ đỏ của chung cư cũng bị đem đi thế chấp ngân hàng nên chủ đầu tư phải giải chấp thì mới có đủ cơ sở pháp lý làm sổ hồng cho từng căn hộ.
Đầu tháng 3.2019, hàng trăm hộ dân tá hỏa khi nhận thông báo xiết nợ của ngân hàng. Dù sau đó ngân hàng tạm dừng việc thu hồi tài sản, nhưng ngày cấp sổ hồng cho cư dân chung cư này vẫn còn xa vời lắm.
Công ty CP Đầu tư và Phát triển Địa ốc Khang Gia tự ý chia nhỏ tầng trệt và tầng lửng thành 71 căn hộ trái phép
Ảnh: Sỹ Đông
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng ban quản trị chung cư Khang Gia Tân Hương, chỉ biết cười trừ trước những câu hỏi của cư dân về việc bao giờ có sổ hồng. Trong 5 năm qua, ban quản trị đã gửi đơn cầu cứu từ cấp quận lên sở ngành, và UBND TP.HCM, thậm chí gửi đơn ra cả Văn phòng Chủ tịch nước.
“Nhiều hộ lên kế hoạch chuyển nhà, cầm cố ngân hàng để đầu tư kinh doanh đều lâm vào bế tắc. Nếu chính quyền địa phương và Sở Xây dựng TP.HCM mạnh tay xử lý những sai phạm của chủ đầu tư thì người dân đã không phải sống trong cảnh thiệt thòi đủ thứ như hiện giờ”, ông Hùng ngao ngán.

Mòn mỏi chờ sổ hồng

Chủ đầu tư vi phạm về xây dựng và chậm giải chấp sổ đỏ là 2 nguyên nhân chính khiến người dân sinh sống ở hàng chục chung cư trên địa bàn thành phố bị “treo” sổ hồng.
Tại chung cư Trương Đình Hội (số 45 Trương Đình Hội, P.16, Q.8, TP.HCM) người dân đã giăng băng rôn đòi sổ hồng tạo áp lực với chính quyền địa phương và chủ đầu tư bởi sau 6 năm vào sinh sống, sổ hổng vẫn chỉ là lời hứa suông. Trong khi đó, cuộc sống nhiều hộ dân trở nên bức bách khi không tờ giấy lận lưng.
Gần 3 tháng trôi qua, anh H.A.V (ngụ chung cư Trương Đình Hội) nhiều lần hụt hẫng bởi số tiền trả giá của khách hàng. Anh V. cho hay khách hàng hạ giá căn hộ rộng hơn 72,4 mxuống chỉ còn 1,35 tỉ đồng, thấp hơn 100 triệu đồng so với giá anh rao bán 1,45 tỉ đồng. Do đó, kế hoạch chuyển nhà về Q.7 cho gần nơi làm việc của vợ chồng anh bị phá sản.
“Nếu chủ đầu tư giữ đúng lời hứa với cư dân và tuân thủ luật pháp về việc cấp sổ hồng thì căn hộ của tôi bán 1,6 tỉ đồng cũng có người mua”, anh V. nói.
Tương tự, kế hoạch chuyển về Q.12 của anh N.M.T (ngụ tầng 11 chung cư Trương Đình Hội) cũng gặp trục trặc khi khách hàng nói rằng không có sổ hồng thì không thể cầm cố ngân hàng.
“Vợ sắp đi làm lại nên tôi tính chuyển về ở với ông bà nội để tiện chăm sóc con nhỏ chứ gửi nhà trẻ thì xót ruột lắm”, anh T. nói lý do bán nhà. Tuy nhiên, anh T. cho biết vợ chồng anh sẽ tiếp tục “gồng” chứ không bán nhà với giá quá rẻ.
Trong khi đó, ông N.S (cũng ngụ tại chung cư Trương Đình Hội) so sánh trước khi chuyển về chung cư sống vào năm 2016, tình hình tài chính của ông luôn linh hoạt bởi nhà cũ có sổ đỏ. “Khi mình cần tiền gấp cho công việc làm ăn có thể lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng hoặc đưa cho đối tác làm tin. Giờ không có sổ hồng trong tay nên chuyện gì cũng dở dang…”, ông S. cho biết.
Sỹ Đông - Theo Thanh Niên
https://thanhnien.vn/thoi-su/chung-cu-ngong-so-hong-o-tphcm-ky-1-cho-doi-moi-mon-1148033.html

Bạn đang đọc bài viết "Chung cư ‘ngóng’ sổ hồng ở TP.HCM – Kỳ 1: Chờ đợi mỏi mòn" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.