Bất động sản thế giới mùa Covid-19 ra sao?

07/07/2020 13:30

Bất động sản mùa Covid-19 có gì biến động? Hãy cùng điểm qua tình hình của một số quốc gia trên thế giới.

Bất động sản mùa Covid-19 có gì biến động? Hãy cùng điểm qua tình hình của một số quốc gia trên thế giới.

Hồng Kông

Hơn một năm trở lại đây, khu vực bán lẻ Hồng Kông liên tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề của những cuộc biểu tình chống Chính phủ kéo dài suốt nhiều tháng, rồi tiếp theo là đại dịch Covid-19. Quý đầu năm nay, nền kinh tế chứng kiến đợt suy giảm tồi tệ nhất trong lịch sử, với mức giảm tới 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lượng giao dịch bất động sản thương mại cũng giảm đáng kể. Theo CBRE Hồng Kông, trong quý đầu năm nay, toàn thị trường chỉ ghi nhận 20 giao dịch, đạt tổng trị giá 7,5 tỷ HKD - mức thấp thứ hai kể từ năm 2009. Trước thực trạng kinh doanh ế ẩm, chủ sở hữu nhiều khu bán lẻ đang tìm cách sang nhượng để cắt lỗ. Các nhà đầu tư dài hạn lo lắng về khả năng kinh doanh bán lẻ ngày càng gặp khó nên tìm cách bán lỗ.

Thông thường, nếu một bất động sản ở vị trí cực kỳ đắc địa, thì có rất ít trường hợp bất động sản đổi chủ trong nhiều năm qua. Thế mà vào tháng 3, toàn bộ diện tích sàn trong tòa nhà thương mại Shun Pont ở Wan Chai được rao bán với giá 35 triệu HKD. Mức giá này đã được giảm 15% so với giá mong muốn ban đầu, sau khi chủ sở hữu nhận thấy không dễ tìm được người mua.

Theo đánh giá của chuyên gia, hoạt động đầu tư bất động sản bán lẻ bị tạm dừng không chỉ vì tình hình khó khăn hiện tại mà còn bởi thị trường bán lẻ có thể sắp trải qua một sự thay đổi cơ cấu rất khác sau nhiều năm gặt hái thành công từ hoạt động chi tiêu, mua sắm của khách hàng Trung Quốc đại lục. Các nhà đầu tư tiềm năng sẽ chỉ tham gia thị trường nếu cảm thấy lợi tức cho thuê đạt kỳ vọng. Giá thuê mặt bằng bán lẻ đang giảm mạnh nên người bán bất động sản thương mại cũng phải giảm giá bán.

Mỹ

Ảnh minh họa.

Tại Mỹ, thị trường bất động sản ghi nhận 21 tháng tăng trưởng chậm, cho đến khoảng tháng 2 thì giá trị nhà ở tại Mỹ đã tăng tốc trở lại (thống kê của Zillow - một trang tin về bất động sản Mỹ). Dấu hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản ở Mỹ và người ta kỳ vọng sự phục hồi và chuẩn bị có một khởi đầu mạnh mẽ trong mùa Xuân 2020. Thế nhưng, virus Corona bùng phát và gây ra những ảnh hưởng lớn cho hầu hết các thị trường thương mại, trong đó có bất động sản.

Những gì đã xảy ra trong 2 tháng đầu năm bỗng như tan thành mây khói. Việc hạn chế đi lại, mua bán bất động sản trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cho số lượng hợp đồng giao dịch suy giảm. Theo nhận xét của Frederick Warburg Peters - Tổng Giám đốc điều hành của Warburg Realty: “Tùy thuộc vào sự bùng phát của dịch bệnh trong từng thời điểm, lượng hợp đồng giao dịch mới ở New York có thể giảm hơn 70% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái”.

Tại New York cũng có những dấu hiệu suy giảm do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đặc biệt tại khu vực quận Manhattan. Trong quý đầu tiên của năm 2020, số lượng bán bất động sản tại quận này đã tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo thị trường của Olshan Realty, chỉ có hai hợp đồng trị giá hơn 4 triệu đô la được ký vào tuần cuối tháng 3. Thực tế ghi nhận, nhiều người giàu có ở New York đang tháo chạy khỏi thành phố để chạy trốn virus, làm cho tình trạng này càng khó khăn.

Australia

Tại bang Victoria, những ngôi nhà và cabin trên bãi biển vốn để phục vụ cho kinh doanh du lịch, nghỉ dưỡng nay đang được cho thuê với mức giá giảm tới 30%. Nhiều dịch vụ cho thuê bất động sản ở vùng Dandenong đang được mở ra và hướng tới những khách hàng muốn có khoảng thời gian nghỉ ngơi trong thời gian cách ly. Bằng cách này, người ta thiết lập sự an toàn và tự cách ly, làm việc trong môi trường với cảnh quan đẹp, không khí trong lành và được phục vụ chu đáo.

Oaks Hotels, Resorts & Suites - Nhà cung cấp chỗ ở với hơn 60 khách sạn chủ yếu ở Úc và New Zealand cũng đang khai thác hình thức cho thuê này với các gói phục vụ đặc biệt. Khách thuê phòng được cung cấp đầy đủ tiện nghi để sinh hoạt và làm việc từ xa với wifi tốc độ cao. Ngoài ra, họ còn có thể sử dụng Deliveroo để giao nhận hàng ngay tại phòng khách sạn.

Tại Sydneys, Q Station cũng đã biến 40 phòng khách sạn của mình thành không gian cách ly cho người Úc trở về từ nước ngoài, những người cần hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày. Với mức giá 100 USD/đêm, khách sạn không thu được nhiều lợi nhuận, nhưng theo Giám đốc điều hành Alison Langley, đây là cách tương trợ lẫn nhau của người dân và chủ sở hữu bất động sản.

Bạn đang đọc bài viết "Bất động sản thế giới mùa Covid-19 ra sao?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.